'Không để ai bị bỏ lại phía sau' trong công cuộc chuyển đổi số
Ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
2024 là năm phổ cập hạ tầng số
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đi qua 4 năm. Năm 2020 là khởi động; năm thứ 4 - 2023 là năm dữ liệu số và đến lúc, đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 2024 sẽ là năm ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, vừa giúp tăng trưởng GPD, vừa tăng năng suất lao động. 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Hạ tầng số của Việt Nam dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Theo Bộ trưởng, 2024 cũng là năm báo chí, xuất bản, truyền thông coi không gian mạng là mặt trận chính, với quan điểm vừa chuyển đổi số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh; xử lý thông tin xấu độc trên mạng; quản lý các nền tảng số xuyên biên giới và hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam
2024 là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không cần đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công thực chất là phải có ít nhất 70% người dân sử dụng. Năm 2023, một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất đã được thực hiện; thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin, quyết tâm thực hiện mạnh mẽ trong 2024 để kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử, chính thức bắt đầu thực hiện Chính phủ số tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 2024 sẽ là năm thực hiện mạng mẽ ứng dụng AI là trợ lý ảo. Ứng dụng AI càng nhiều dữ liệu càng thông minh nên việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ, nhiều văn bản, nhiều quy định hãy để cho AI thực hiện. Các bộ ngành địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt, chuyển việc vất vả, tốn thời gian cho AI, giải phóng con người làm những việc thú vị hơn.
Công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Năm 2023, quán triệt phương châm chủ động thích ứng, hành động quyết liệt theo tinh thần điều hành của Chính phủ là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chủ đề: "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới". Bộ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tham mưu đề xuất để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của toàn ngành Thông tin và Truyền thông.
Công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: Vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc, "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện đã đạt được những kết quả tích cực.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được ưu tiên thực hiện. Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ biểu quyết thông qua cao. Bên cạnh đó, Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách đã thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, coi truyền thông chính sách trước hết là một việc, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần hình thành bộ máy, nguồn lực cho công tác này.
Hoạt động bưu chính tiếp tục có bước chuyển dịch mạnh mẽ với sự bùng nổ của thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số.
Doanh thu dịch vụ bưu chính đạt 58.900 tỷ đồng (tăng 9,3% so với năm 2022). Việt Nam thăng 1 hạng theo xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính năm 2023 (từ nhóm 5 lên nhóm 6; nhóm 10 là nhóm cao nhất). Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số trong năm qua đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.
Mặc dù là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt nam có độ phủ sóng 4G đạt 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Đây là nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông đặc biệt là chương trình "Sóng và máy tính cho em" để bảo đảm việc học, làm việc trực tuyến; tỷ lệ này trước đây là 97%.
Việc thử nghiệm 5G đã được triển khai thử nghiệm tại 59 tỉnh, thành; 99,8% dân số được phủ sóng 4G. Tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone/tổng số người dùng điện thoại di động tiếp tục tăng lên tới 84,4% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 63%). Đây là nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông hướng đến mục tiêu 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024.
Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhắm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình triển đổi số. Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới; nhờ vậy mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng internet, tiếp cận không gian số. Tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới Ipv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại ASEAN và thứ 9 toàn cầu. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở, tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.
Công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ đô với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%. Khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022). Phát triển công nghiệp công nghệ số, đưa công nghệ Make in Viet Nam vào mọi mặt của đời sống xã hội.
An toàn thông tin mạng tiếp tục là điểm sáng khi người dân đã được bảo vệ cơ bản trên không gian mạng. 2023 cũng là năm đổi mới cách tiếp cận về bảo vệ người dân trên không gian mạng. Gần 125 nghìn nguồn website đã được thiết lập, kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng. Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã chặn 9.073 website vi phạm pháp luật, trong đó có 2.603 website lừa đảo; bảo vệ hơn 10 triệu người dân khỏi truy cập các website vi phạm, lừa đảo trực tuyến.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Truyền thông, báo chí tiếp tục góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động.
Năm 2023, quy mô doanh thu thị trường sách nói đạt trên 102 tỷ đồng, tăng 2 lần so với 2022 (52,3 tỷ); ước đạt trên 40 triệu bản sách nghe, tăng 25% so với năm 2022. Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử ước đạt 40,3%, vượt 20% so với kế hoạch; Số tựa sách điện tử xuất bản trong năm ước đạt 4.600, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%).
Phóng viên TTXVN tiếp tục thông tin về Hội nghị.
Theo TTXVN