Thứ Tư, 22/05/2024, 10:27 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Đưa ngân hàng số vào đời sống

Nhiều dịch vụ tiện ích thông qua số hóa ngành Ngân hàng đã và đang đi vào đời sống xã hội, góp phần mang lại hiệu quả tích cực.

Nằm trong xu hướng chung về chuyển đổi số (CĐS), nhiều ngân hàng bước vào cuộc đua số hóa. Điều này không chỉ mang lại các dịch vụ tiện dụng của ngân hàng, mà còn hướng đến trải nghiệm của khách hàng.

GIA TĂNG TRẢI NGHIỆM CHO KHÁCH HÀNG

Hội nghị CĐS do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang tổ chức ngày 20-5 là sự kiện quan trọng để các ngân hàng thương mại giới thiệu kết quả CĐS cũng như những định hướng quan trọng nhằm mang lại tiện ích tốt nhất cho khách hàng.

Nhiều giải pháp trong CĐS ngành Ngân hàng đã được giới thiệu.
Nhiều giải pháp trong CĐS ngành Ngân hàng đã được giới thiệu.

Bà Hà Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Tiền Giang (Vietcombank Tiền Giang) cho biết, xu hướng CĐS trên thế giới ngày càng rõ nét, các doanh nghiệp trên thế giới đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức.

Đặc biệt, trong và sau đại dịch Covid-19, CĐS dần trở thành một khái niệm quen thuộc và là xu hướng tất yếu để có thể tồn tại và phát triển. Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS trong hành trình mang tới các trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Vietcombank đã xác định mục tiêu tầm nhìn đến năm 2025 trở thành ngân hàng hàng đầu về CĐS, tích cực ứng dụng công nghệ số, không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ số, từ đó gia tăng chất lượng các điểm chạm online với khách hàng.

Hành trình trải nghiệm của khách hàng thay đổi hoàn toàn khi chủ yếu tiếp xúc, giao tiếp qua những thiết bị thông minh dựa trên thao tác nhanh gọn, sự tiện dụng hay trải nghiệm online liền mạch của dịch vụ. Sự chuyển dịch từ offline lên online là bước đầu tiên của chiến lược trải nghiệm khách hàng trong thời đại số, để duy trì kết nối, gắn kết với khách hàng cũng như tích hợp các quy trình xử lý yêu cầu từ khách hàng online.

“Đối với lĩnh vực đời sống, một trong những trải nghiệm số mà Vietcombank đầu tư mạnh mẽ trong vòng 2 năm gần đây là việc triển khai nền tảng ngân hàng số VCB Digibank dành cho khách hàng cá nhân.

VCB Digibank đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng nhờ trải nghiệm đồng nhất và hoàn toàn mới. Nếu như trước kia để có thể thực hiện đa dạng nhiều loại hình dịch vụ như: Đặt taxi, mua vé xem phim, mua hàng hóa dịch vụ…, khách hàng phải mất thời gian đi đến các điểm giao dịch trực tiếp thì nay chỉ với một cú chạm trên điện thoại di động, hầu hết mọi nhu cầu giao dịch sẽ được đáp ứng dễ dàng và nhanh chóng”- bà Hà Thị Thanh Thúy cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu đánh giá cao sự đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng trong việc chủ động triển khai về công nghệ số, kỹ thuật số, CĐS của hệ thống ngân hàng từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, kết nối được sự hài lòng của người dân trong việc thụ hưởng dịch vụ công, để từ đó tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận một cách hiệu quả, nhanh chóng, tiện lợi, an toàn và có tính cải thiện cao.

CĐS trong ngành Ngân hàng trước tiên là một hoạt động tích hợp từ việc thực hiện CĐS trên tinh thần tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhanh, hiệu quả và kịp thời nhất và triển khai một chiến lược đổi mới trong kinh doanh của mỗi hệ thống ngân hàng.

Nhằm thực hiện tốt các lĩnh vực quan trọng CĐS ngành Ngân hàng, trước tiên cần CĐS để thực hiện việc cải cách phong cách làm việc của mỗi ngân hàng và có định hướng rõ ràng trong chiến lược; giải pháp nhanh nhất để tiếp cận khách hàng, với một sự thay đổi không ngừng của cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ, sự cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng nói riêng ngày càng cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu cũng đề nghị tăng cường quản lý nội bộ của hệ thống ngân hàng và tăng cường quản lý rủi ro bằng một hệ thống khác đạt hiệu quả nhưng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hệ thống và khách hàng.

Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang cần đạt mức độ 4 về dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thực hiện CĐS trong tính đa dạng của mỗi ngân hàng, để từ đó tạo ra những ngân hàng tiên phong trong CĐS.

Đẩy mạnh CĐS phục vụ khách hàng khu vực nông thôn là một trong những bước đi quan trọng của Agribank Tiền Giang. Phó Giám đốc Agribank Tiền Giang Trương Văn Đoàn cho biết, Agribank Tiền Giang là ngân hàng thương mại đầu tiên trên địa bàn tỉnh đưa ngân hàng số đi vào hoạt động từ ngày 18-11-2022.

Đây là mô hình ngân hàng thu nhỏ, phù hợp với những khách hàng không thuận tiện giao dịch trong giờ làm việc. Agribank Digital cung cấp 6 tính năng nổi bật như định danh, đăng ký sinh trắc học, đăng ký mở tài khoản trực tuyến, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đăng ký nhu cầu vay vốn trực tuyến, thực hiện các giao dịch tài chính xác thực bằng sinh trắc học như nộp tiền vào tài khoản, thanh toán, chuyển khoản, gửi tiết kiệm.

Trước đó, từ năm 2018, để thuận tiện cho khách hàng vùng sâu, vùng xa, Agribank Tiền Giang đã trang bị xe chuyên dùng phục vụ cho điểm giao dịch lưu động. Điểm giao dịch lưu động của Agribank cũng cung cấp tất cả các sản phẩm dịch vụ như giao dịch tại quầy nên rất thuận tiện cho khách hàng. Mới đây, trong hội nghị CĐS ngành Ngân hàng diễn ra tại Hà Nội vào ngày 8-5-2024 vừa qua, Agribank cũng đã giới thiệu 6 sản phẩm tương ứng với 6 giải pháp ngân hàng số sẽ triển khai trong thời gian tới: Giao dịch rút tiền bằng Căn cước công dân có gắn chip; rút tiền bằng QR Code trên máy ATM không cần dùng thẻ; dịch vụ ngân hàng số đa kênh dành cho khách hàng doanh nghiệp; trục thanh toán Agribank Payment Hub; dịch vụ OPEN API; hệ thống thu thập, quản lý xác thực và làm sạch dữ liệu khách hàng tại quầy giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tính an toàn, chính xác của các giao dịch.

“Khách hàng cần chủ động lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch tài chính nhằm hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt; khai thác các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mà các ngân hàng đã triển khai như ứng dụng trên điện thoại, máy POS và QR code; đăng ký các phương thức xác thực eKYC và sinh trắc học trong giao dịch để đảm bảo an toàn trong các giao dịch tài chính”- ông Trương Văn Đoàn đề xuất.

HÀNH TRÌNH SỐ HÓA

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại đã và đang lựa chọn các hướng đi cho hành trình số hóa các dịch vụ. Đây là bước đi quan trọng và tất yếu, phù hợp với xu thế chung. Giám đốc dịch vụ khách hàng - Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu chi nhánh Tiền Giang (ACB Tiền Giang) Lê Thủy Tiên cho biết, ngân hàng số được hiểu đơn giản là ngân hàng mà khách hàng không cần đến trụ sở hay chi nhánh ngân hàng, mọi hoạt động được tiến hành trên không gian mạng như mở tài khoản, cấp thẻ tín dụng, cho vay và các giao dịch thanh toán…

Để bắt kịp xu thế này, hệ sinh thái ngân hàng số ACB bao gồm 3 ứng dụng: ACB ONE là ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân, ACB ONE Biz là ngân hàng số dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ACB ONE Pro là ngân hàng số dành cho doanh nghiệp lớn.

Trong đó, để triển khai có hiệu quả ứng dụng ACB ONE, ngân hàng đã số hóa 100% dành cho khách hàng cá nhân mới. Trước đây, khi muốn mở mới tài khoản, khách hàng phải đến ngân hàng, mất thời gian chờ đợi và phải ký rất nhiều giấy tờ. Đôi khi khu vực nơi khách hàng ở không có trụ sở của ACB rất là bất tiện.

“Giờ đây chỉ cần điện thoại smartphone, tải ứng dụng ACB ONE, chọn “Đăng ký”, khách hàng đã có ngay combo tài khoản trực tuyến bao gồm: Số tài khoản ngắn và dễ nhớ (8 số), tài khoản không cần ký quỹ, không cần duy trì số dư; thẻ Visa Debit đi kèm và có hạn mức giao dịch lên đến 100 triệu đồng/tháng” - bà Lê Thủy Tiên cho biết.

Nhìn trên bức tranh tổng thể về CĐS của ngành Ngân hàng, Giám đốc NHNN chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong CĐS trên các mặt: Hạ tầng công nghệ, phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo an ninh an toàn…

Tại NHNN chi nhánh Tiền Giang, 100% dịch vụ công, báo cáo và nghiệp vụ được triển khai, vận hành, ký số và ban hành trên môi trường mạng theo quy định của NHNN Việt Nam. Tại các ngân hàng thương mại, nhiều nghiệp vụ ngân hàng cơ bản đã số hóa như gửi tiền tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, chuyển tiền…

Đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai dịch vụ giao dịch hoàn toàn trên kênh số với tỷ lệ 66%, vượt xa kế hoạch 50% của năm 2025; trong đó, chỉ tiêu thanh toán số tăng trưởng vượt bậc, các chỉ tiêu liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt đều có số lượng, giá trị tăng trưởng cao qua các năm, trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, thanh toán điện tử tăng gần 39% về số lượng và hơn 30% về giá trị, tăng trưởng cao về số lượng giao dịch qua kênh di động và QR code…

THẾ ANH - LÊ MINH

.
.
.