Huyện Gò Công Tây: Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06
(ABO) 6 tháng đầu năm 2024, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) tại các ngành, các xã, thị trấn bằng nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Qua đó, cán bộ và nhân dân đã nâng cao ý thức trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện các thủ tục hành chính…
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án 06 đối với việc chuyển đổi số, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhiệm vụ thuộc Đề án 06 lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Công an huyện Gò Công Tây thu nhận hồ sơ, làm thủ tục cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi có nhu cầu. |
Theo đó, đến nay, huyện cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về an sinh xã hội, thông tin người lao động, cập nhật làm sạch thông tin hội viên các Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh và Hội Chữ thập đỏ, cập nhật đầy đủ thông tin thường trú của học sinh đến độ tuổi xét ưu tiên phục vụ các kỳ thi.
Huyện tiếp tục duy trì tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID; đẩy mạnh hướng dẫn công dân nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công để nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện số hóa kết quả các thủ tục hành chính đã giải quyết, làm sạch dữ liệu ngành, đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch dân sự. Đồng thời, ra mắt mô hình điểm "Thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Công an các xã, thị trấn Vĩnh Bình".
Tính đến nay, huyện đã ra mắt được 29 điểm hướng dẫn đăng ký và thực hiện các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia tại các ấp, khu phố.
Thượng tá Đỗ Văn Vũ, Phó Trưởng Công an huyện, cho biết, về dịch vụ công trực tuyến, đến nay Gò Công Tây đã và đang tổ chức thực hiện 18/25 dịch vụ công thiết yếu được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Huyện đã tiếp nhận, giải quyết 20.284/25.302 hồ sơ, đạt 80,17%. Quá trình giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đạt 100% hồ sơ đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ theo dõi, giám sát, đánh giá. Các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo đúng tiêu chí mức độ, không có tình trạng dịch vụ công trực tuyến mà vẫn yêu cầu người dân mang hồ sơ gốc lên cơ quan tiếp nhận để đối chiếu hồ sơ và nhận kết quả.
Bên cạnh đó, huyện tập trung thực hiện số hóa dữ liệu ngành thuộc phạm vi quản lý. Cụ thể, Chi cục Thuế khu vực Gò Công Tây - Chợ Gạo triển khai ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động để cung cấp chức năng về nộp thuế điện tử, đăng ký giao dịch thuế điện tử, tra cứu thông tin, nghĩa vụ thuế, thông báo thuế. Lũy kế từ khi triển khai thực hiện đến nay được 1.779 cá nhân trên địa bàn huyện đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt. Đến nay, có 24/24 đơn vị áp dụng, trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 18.252 giao dịch phát sinh với số tiền trên 12 tỷ đồng.
Trung tâm Y tế huyện tiếp tục thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở y tế khi tiếp nhận bệnh nhân phải sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) thay thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám, chữa bệnh và hiện có 14/14 cơ sở áp dụng (đạt 100%).
Công dân dùng thẻ CCCD khám, chữa bệnh thay thẻ BHYT, lũy kế từ khi thực hiện đến nay được 165.429/291.297 trường hợp, đạt 56,79%. Bảo hiểm xã hội cập nhật CCCD đến nay là 102.751/103.301 người, đạt 99,5% số người tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội huyện quản lý.
Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện. Số liệu đã chi trả kể từ khi triển khai đến nay 2.761 đối tượng đã được chi trả (đến nay đạt 35, 86% so với 7.698 tổng số đối tượng cần phải chi trả) với số tiền lũy kế trên 1,5 tỷ đồng.
Phòng Tư pháp thực hiện công tác số hóa: Đến nay tổng số sổ, dữ liệu đã được tiến hành số hóa xong: 1.737 sổ/186.788 dữ liệu (đạt tỷ lệ 97,31% sổ/91,80% dữ liệu so với sổ hộ tịch và dữ liệu hộ tịch cần phải số hóa đang lưu giữ tại địa phương)...
Đối với phục vụ phát triển công dân số, tính đến ngày 20-6-2023, Công an tỉnh ghi nhận địa bàn huyện cơ bản hoàn thành công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD (đến ngày 31-5-2024 đã cấp 132.801/135.622 công dân trên địa bàn huyện được cấp CCCD, còn 2.821 công dân từ đủ 14 tuổi chưa cấp CCCD, chủ yếu sinh năm 2009, 2010 và một số trường hợp công dân đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương).
Ngày 30-9-2023 địa bàn huyện hoàn thành 71.403 chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử và đến ngày 31-5-2024, địa bàn huyện đã thu nhận 93.412 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt 80.220 tài khoản định danh điện tử.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện đã huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn và sự hợp tác, chia sẻ, tham gia của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TUYÊN TRUYỀN
Phát biểu tại hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện Gò Công Tây mới đây, đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Sự vào cuộc của một số ngành, cấp cơ sở đôi lúc chưa quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 (như tiến độ thực hiện các “mô hình điểm”, công tác số hóa hồ sơ theo lĩnh vực).
Bên cạnh đó, hệ thống mạng kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia chưa thực sự ổn định, thường xuyên mất kết nối, kẹt, nghẽn mạng dẫn đến trễ hạn hồ sơ dịch vụ công do không thể thao tác hoặc hệ thống không phản hồi, lỗi hiển thị…
Một số mục thống kê, báo cáo cho đến nay không thể khai thác được như trước, thường xuyên lỗi…Bên cạnh đó, chưa có bộ phận giúp việc chuyên trách thực hiện Đề án 06, đa số là cán bộ công tác kiêm nhiệm nhưng nhiệm vụ đặt ra rất nhiều nội dung phải hoàn thành nên rất khó khăn cho cán bộ theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án 06.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là vùng nông thôn, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh nhưng đa số người dân chưa thể tự nộp trực tuyến hồ sơ mà phải trực tiếp đến cơ quan để cán bộ hướng dẫn nộp trực tuyến… nên kết quả thực hiện Đề án 06 chưa đạt như kỳ vọng.
Theo UBND huyện, trong thời gian tới, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Đề án 06 và lãnh đạo UBND huyện tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, hạn chế thuộc thẩm quyền của huyện, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án 06 của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và tỉnh liên quan đến phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát lại đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ số cộng đồng, phải lựa chọn những người thật sự nhiệt tình, trách nhiệm, nắm rõ công nghệ thông tin.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền Đề án 06, trong đó, tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công quốc gia bằng nhiều hình thức (qua báo, đài, mạng xã hội, Bộ phận Một cửa các cấp...), tiện ích của tài khoản định danh điện tử, việc sử dụng thẻ CCCD trong khám, chữa bệnh thay thẻ BHYT để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu và dễ dàng thực hiện để tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực, đăng ký tài khoản định danh điện tử, dùng thẻ CCCD khi khám, chữa bệnh...
Chụp hình làm thẻ CCCD cho công dân tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an huyện Gò Công Tây. |
Huyện chỉ đạo Công an huyện ưu tiên bố trí nhân lực thực hiện các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư để bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, thu nhận hồ sơ cấp CCCD, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đạt hiệu quả để phục vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính của các ngành.
Cùng với đó là tiếp tục rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, thiết bị,… để đáp ứng yêu cầu công việc triển khai Đề án 06; chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện kết nối, đăng nhập hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia bằng tài khoản định danh và xác thực điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, người dân sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng trong khám, chữa bệnh và các giao dịch dân sự ở bộ phận một cửa các cấp, ngân hàng...; nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính theo lĩnh vực.
QUẾ ANH - KIM LAN