Đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương
Nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu theo cách làm hiện nay thì ngân sách không thể chịu nổi. Và dù có tăng nguồn mà không đổi mới cơ bản quan điểm về tiền lương, cải cách hệ thống lương, đối tượng hưởng lương thì cũng không thể giải quyết được vấn đề.
Đó là ý kiến của Tiến sĩ (TS.) Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính tại Hội thảo “Đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2020” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức trong tháng 2-2012.
Đã cải cách nhưng vẫn còn bất cập
Thông tin tại hội thảo cho biết: Cải cách chính sách tiền lương và các chính sách có liên quan được bắt đầu nghiên cứu, soạn thảo từ năm 1989 với lộ trình thực hiện bước đệm từ năm 1992, chính thức thực hiện từ ngày 1-4-1993. Sau 20 năm thực hiện, chính sách tiền lương đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
TS. Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phân tích: Quy mô tiền lương tăng nhanh nhưng không cải thiện được đời sống của cán bộ, công chức. Nghịch lý nằm trong hệ thống lương và hệ thống nguồn lực tài chính.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp tiền lương không đủ sống nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng, miền...) và không có giới hạn, không minh bạch.
Phần thu nhập ngoài lương cho đến nay chưa có thống kê, đánh giá định lượng được; có thể có phần chính đáng, song chủ yếu là không chính đáng do lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ (từ biếu xén, từ cơ chế xin - cho, từ cơ chế ăn chia...).
Hiện tượng “thu nhập phụ” trở thành nguồn sống chính của người ăn lương đang làm méo mó các quan hệ tiền lương - tài chính và các quan hệ xã hội, cũng như làm nảy sinh những nhân tố gây tiêu cực và bức xúc trong xã hội.
Theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Lương cán bộ, công chức có nghịch lý “vừa cao vừa thấp”. Với một bộ phận cán bộ, công chức làm việc thật sự tận tụy thì thấp nhưng bộ phận khác có khi lại là cao.
Tái cấu trúc hệ thống tiền lương
Hệ thống chính sách tiền lương nước ta đã trải qua nhiều thời kỳ. Theo Đề án “Cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012”, trong 4 năm qua đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 450 nghìn đồng/tháng lên 540 nghìn đồng/tháng (tháng 1-2008), lên 830 nghìn đồng/tháng (tháng 1-2011) và từ 1-5-2012, mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh lên 1.050 nghìn đồng/ tháng. Tính chung, giai đoạn 2008-2011, mức lương tối thiểu chung đã tăng 84,4%; nếu tính thêm năm 2012 thì mức tăng lương đã là 133,3%. |
Theo TS. Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính, ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu của công chức, tối thiểu chiếm 90%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khoản thu nhập từ lương hiện chỉ chiếm từ 30-100% tùy thuộc vào vị trí công tác.
Vì vậy, hệ thống tiền lương cần được thiết kế sao cho đủ để bản thân mỗi công chức và gia đình của họ có thể sống được bằng lương, thậm chí có tích lũy. Đạt được mục tiêu này thì công chức mới có thể tận tụy với công việc, góp phần hạn chế tham nhũng.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng: Tiền lương là vấn đề quan trọng, nếu cơ chế tiền lương bất hợp lý sẽ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả nền tài chính quốc gia, phải tái cấu trúc cả bên cung lẫn bên cầu.
Về sự cân đối giữa nguồn lực và nhu cầu, theo TS. Lê Hải Mơ, sở dĩ lương không đủ sống (ngoài lý do hạn chế nguồn lực tài chính) thì việc sử dụng và phân bổ nguồn chưa hợp lý mới là nguyên nhân cốt lõi. Vì vậy, cần phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước và để phần thích hợp cho lương công chức.
Ông Đặng Như Lợi phân tích thêm: Quan trọng là phải quyết tâm cải cách cơ bản chính sách tiền lương và chính sách có liên quan cho dù có thay đổi nhiều vấn đề, đụng chạm đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi ngân sách nhà nước để đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương; đổi mới cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập khu vực công, khu vực hành chính; đổi mới công cụ giám sát, điều tiết và quản lý thu nhập ngoài lương.
Đối với khu vực hành chính sự nghiệp, ông Đặng Như Lợi khuyến nghị: Việc chuyển sang cơ chế tự chủ vốn được xem là mấu chốt của giải pháp đa dạng hóa nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương.
(Theo Chinhphu.vn)