Thứ Tư, 04/04/2012, 09:34 (GMT+7)
.

Giám sát đầu tư công trên lĩnh vực "tam nông"

Ngày 3-4, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đã dẫn đầu Đoàn giám sát đến làm việc với Ngân hàng Nhà nước tỉnh về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang cho biết, hơn 10 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đến cuối năm 2010 dư nợ cho vay trong lĩnh vực này của ngành tăng gấp 15 lần so với năm 1998, tăng gấp 1,9 lần so với năm 2006, chiếm 49,25% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Cơ cấu nợ tiếp tục được cải thiện theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư vốn trung, dài hạn. Hơn 1 năm thực hiện việc cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ, đến cuối năm 2011, dư nợ cho vay lên 9.193 tỷ đồng, chiếm 57,18% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh (tăng 36,46% so năm 2010).

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo chủ trương của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc. Theo đó, đến cuối năm 2011, tổng số lãi được hỗ trợ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên trên 112 tỷ đồng.

Dù vậy, ngân hàng cũng còn không ít khó khăn trong thực hiện chính sách như: nguồn vốn vay chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển, phục vụ sản xuất, kinh doanh ở nông thôn; các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh yếu kém, vốn thấp nên ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay; sản xuất nhỏ lẻ, phân tán còn phổ biến nên thu hút vốn đầu tư tín dụng còn hạn chế…

Ông Huỳnh Văn Tính chất vấn tại phiên họp Quốc hội.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Tiền Giang chất vấn tại nghị trường.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Danh đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của ngành và ghi nhận những khó khăn, bất cập. Ông cũng lưu ý với ngành Ngân hàng cần nghiên cứu mạnh dạn cho hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vay.

Xem xét tăng cường nguồn tín dụng trong hạn mức cho phép vào các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao đời sống nông dân, phát triển nông thôn; tăng tỷ lệ vốn đầu tư trung, dài hạn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp có dự án thiết thực đầu tư nông nghiệp, nông thôn.

Cần tăng cường tuyên truyền, thông tin về chủ trương, chính sách, quy định trong lĩnh vực ngân hàng để dân biết và tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn; đề xuất và xem xét loại bỏ những thủ tục, quy định lạc hậu, không còn hợp lý.

* Chiều cùng ngày, Đoàn Giám sát đến làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo báo cáo của ngành, việc huy động, phân bổ, thực hiện vốn đầu tư nông nghiệp, nông thôn từ năm 2006 - 2010 khoảng 2.455 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 1.694 tỷ đồng. Riêng năm 2011, nguồn vốn huy động, phân bổ thực hiện đầu tư trong lĩnh vực trên 655 tỷ đồng.

Từ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước cải thiện. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách này còn những mặt hạn chế, tồn tại như: tiến độ triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng còn chậm, chưa đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả do vốn hạn hẹp, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng…

Qua làm việc, ông Nguyễn Văn Danh đề nghị ngành cần quan tâm hướng dẫn đối với cơ sở trong triển khai các dự án đầu tư nông nghiệp, nông thôn; tham mưu tốt cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là chế biến, tiêu thụ sản phẩm và hoàn thiện các chính sách đầu tư công trên địa bàn.

Ngành cần rà soát, nghiên cứu các hướng dẫn, quy định trong đầu tư công còn gặp vướng mắc để kiến nghị với bộ, ngành Trung ương sửa đổi, ban hành các chính sách mới. Ngành cần ưu tiên đầu tư vào các công trình bức xúc có tính đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, thu hút đầu tư các mô hình mới, mô hình áp dụng công nghệ cao, tiên tiến; chú ý phát huy hiệu quả những công trình đã hoàn thành; đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý việc thực hiện quy hoạch.

N.VĂN

.
.
.