Thứ Tư, 18/04/2012, 15:04 (GMT+7)
.
Ông VÕ VĂN BÌNH, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy:

Nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu giải pháp “tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên” nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng để Đảng ta thật sự là Đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cụ thể hóa giải pháp trên trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy VÕ VĂN BÌNH (ảnh) cho biết:

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, theo Chỉ thị 15/CT-TW ngày 24-2-2012 của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở đều phải tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm đạt kết quả thực chất; tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ; khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, lợi dụng để “đấu đá”, trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình hoặc vu cáo.

Phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình đúng đắn.

Mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên từ cán bộ cấp cao đến đảng viên, từ đảng viên đương chức đến đảng viên đã nghỉ hưu phải thực sự tự giác, trung thực xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, có dũng khí tự thấy rõ khuyết điểm và tự mình sửa chữa; phải thực sự cầu thị, khách quan với ý thức xây dựng trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

Tiến hành kiểm điểm với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, “trị bệnh cứu người” để giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và vì sự nghiệp chung của Đảng. Tự phê bình và phê bình phải vừa giữ đúng nguyên tắc, vừa phải có tính thuyết phục, có lý, có tình; kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình bao che sai phạm, khuyết điểm.

Cấp trên gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Trong quá trình tổ chức thực hiện thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chặt chẽ.

* PV: Thưa ông, nội dung kiểm điểm bao gồm những lĩnh vực nào?

* Ông Võ Văn Bình: Căn cứ vào 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu và Quy định về những điều đảng viên không được làm, đối chiếu với tình hình hiện tại của tổ chức và cá nhân, có liên hệ đến những năm trước đó để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

3 nội dung cần tập trung kiểm điểm là: Về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; về xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong 3 nội dung này, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, chi phối các nội dung sau. Khi kiểm điểm, cần tập trung liên hệ, làm rõ những hạn chế, yếu kém cụ thể nêu trong Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục…

* PV: Đối với tập thể và cá nhân, nội dung kiểm điểm có những điểm khác nhau như thế nào?

* Ông Võ Văn Bình: Báo cáo kiểm điểm đợt này theo hình thức hỏi đáp, đi thẳng vào các vấn đề cụ thể. Đối với tập thể: Nội dung kiểm điểm bao gồm: Đã có những chủ trương, biện pháp gì để lãnh đạo xây dựng lập trường tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên? Việc quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm như thế nào? Đã có những hình thức, biện pháp gì trong phát hiện, giáo dục, đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc cấp mình quản lý?

Nội bộ cấp ủy, tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết hoặc có mất đoàn kết không? Khi có tình hình, vụ việc sai sót, vi phạm xảy ra đã thực sự thẳng thắn tự phê bình và phê bình chưa? Đã thực sự quyết tâm xem xét, giải quyết dứt điểm những sai sót, khuyết điểm nổi cộm, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà dư luận quan tâm, bức xúc chưa?

Nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái. Trong lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đã thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức và cán bộ như thế nào?

Kiểm điểm làm rõ những trường hợp bổ nhiệm, đề bạt, bố trí cán bộ không đúng người, đúng việc, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; về quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; về thực hiện quy chế làm việc, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; trách nhiệm của tập thể trong việc thảo luận và ban hành các quyết định về công tác cán bộ, về phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với cá nhân: Tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình căn cứ vào 3 nội dung Nghị quyết nêu và Quy định những điều đảng viên không được làm; về nội dung góp ý của các tổ chức, cá nhân và gợi ý của cấp trên (nếu có) đối với cá nhân mình; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân về những góp ý hoặc gợi ý (nếu có) đối với tập thể và về những thiếu sót, khuyết điểm của tập thể.

Cá nhân phải tự giác, trung thực soi xét mình về các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; có thái độ đấu tranh, phê phán các quan điểm, việc làm sai, trái Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, Quy chế, Quy định của Đảng. Trong ý thức và việc làm cụ thể đã đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của cá nhân chưa? Tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa? Đoàn kết nội bộ đã tốt chưa? Đã trung thực trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, kê khai tài sản chưa? Có để vợ (chồng), con và người thân lợi dụng chức vụ để trục lợi không?

Đối với cá nhân là cấp ủy viên, là cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngoài các nội dung trên, còn kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tham gia cùng tập thể thảo luận và quyết định các vấn đề của tập thể, qua đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân về những thiếu sót, khuyết điểm của tập thể.

* PV: Cách thức tổ chức đồng bộ, khoa học sẽ giúp cho việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đạt kết quả cao hơn. Ông chia sẻ về vấn đề này như thế nào?

* Ông Võ Văn Bình: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các ban đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo 3 bước.

Bước 1: Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức có liên quan và thuộc cấp mình; lấy ý kiến góp ý của cá nhân đã nghỉ hưu nguyên là cấp ủy viên, nguyên là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc, gợi ý kiểm điểm (nếu có) đối với tập thể cấp dưới và cá nhân thuộc quyền quản lý.

Bước 2: Tiếp thu ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm của cấp trên (nếu có), xây dựng báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân và tiến hành kiểm điểm.

Bước 3: Báo cáo về kết quả kiểm điểm và thông báo tiếp thu góp ý.

Qua kiểm điểm, nếu xét thấy tổ chức, cá nhân có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước. Kết quả kiểm điểm là căn cứ xem xét, sàng lọc và xây dựng đội ngũ cán bộ của mỗi cơ quan, đơn vị, gắn với quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý và cán bộ chủ chốt.

Sau đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này, việc thực hiện chế độ kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được thực hiện thường xuyên hàng năm, gắn với kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.