Thứ Tư, 30/05/2012, 20:08 (GMT+7)
.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Đoàn ĐBQH Tiền Giang góp ý, xây dựng dự án Luật Công đoàn

Buổi chiều ngày 25-5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Trương Thị Thu Trang (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, ảnh) cơ bản thống nhất với các nội dung quy định của dự án Luật và đóng góp bổ sung nhiều ý kiến.

Thứ nhất, về một số vấn đề chung: Đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cần có sự xem xét về tính thống nhất giữa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) để những quy định có liên quan của 2 dự án Luật bảo đảm phù hợp, tránh sự mâu thuẫn và chồng chéo.

Đề nghị vẫn giữ nguyên tên gọi “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” cho phù hợp với tổ chức Công đoàn trong thực tế hiện nay, tránh gây xáo trộn về nội dung, hình thức hoạt động từ việc thay đổi tên gọi của tổ chức này.

Đại biểu Trang thống nhất với quy định như trong dự án Luật: “Công đoàn cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”, nhằm đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Đồng thời, tổ chức Công đoàn không phải là chủ thể duy nhất có trách nhiệm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, mà đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị ở nước ta.

Về tài chính Công đoàn, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Viêt Nam báo cáo cụ thể về tình hình thu và sử dụng Công đoàn phí trong khoảng thời gian 3 năm gần đây, làm cơ sở để QH xem xét, quyết định đối với các nội dung quy định về “Tài chính Công đoàn” trong dự án Luật.

Thứ hai, về đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động: Trong thực tế, nhiều cuộc đình công, lãn công xảy ra là tự phát. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu, xem xét biện pháp giải quyết đồng bộ mối quan hệ giữa người lao động, người sử dụng lao động và Công đoàn để Công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm “Tổ chức và lãnh đạo đình công, lãn công theo quy định của pháp luật”.

Đây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, do vậy đề nghị dự án Luật cần bổ sung quy định về tính nguyên tắc đối với việc tổ chức và lãnh đạo đình công, lãn công của tổ chức Công đoàn.

Thứ ba, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn: Nội dung quy định của dự án Luật về trách nhiệm “Trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi tổ chức Công đoàn đề nghị” là chưa chặt chẽ, có thể dẫn đến tình trạng chậm hoặc không đầy đủ trong việc cung cấp thông tin.

Đại biểu Trang đề nghị dự án Luật cần bổ sung đầy đủ quy định như sau: “Trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi tổ chức Công đoàn đề nghị” để trên cơ sở đó có thể đưa ra các thỏa ước lao động tập thể phù hợp với điều kiện thực tế nhằm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thứ tư, về kiểm tra, giám sát tài chính Công đoàn, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn vào Luật Công đoàn, cụ thể như sau: “Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp hàng năm phải kiểm tra tài chính Công đoàn cùng cấp và kiểm tra tài chính Công đoàn cấp dưới”.

ĐĂNG HIẾU

 

.
.
.