Thứ Ba, 22/05/2012, 16:49 (GMT+7)
.

Nâng tầm trách nhiệm chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí

Trong chùm các nghị quyết, kết luận tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI vừa diễn ra tại Hà Nội, có vấn đề về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP).

Điểm mới liên quan đến công tác tổ chức là Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNLP trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban (trước nay do Thủ tướng làm Trưởng ban).

Đồng thời lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một Ban Đảng vừa là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNLP. Trung ương cũng quyết định không thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về PCTNLP. Tỉnh ủy, Thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác này.

Quyết định này một lần nữa thể hiện quyết tâm cao của Trung ương trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTNLP với mong muốn đạt kết quả cao hơn, tốt hơn. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận, đây chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo, điều hòa, phối hợp công tác của các cơ quan chức năng; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện.

Ban Chỉ đạo PCTNLP không làm thay các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước; không phải cứ lập Ban Chỉ đạo là xoay chuyển ngay được tình hình như “một chiếc đũa thần”. Bởi vì, đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, vai trò của các đồng chí Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, quản lý của các ngành, các cấp là cực kỳ quan trọng.

Tổng Bí thư kêu gọi: “Mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng hãy là một chiến sĩ tiên phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh này, phải gương mẫu, giữ mình cho trong sạch, không vướng vào tham nhũng, lãng phí; đồng thời phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong đơn vị công tác của mình”.

Từ lâu Bác Hồ đã chỉ đích danh tham nhũng, lãng phí  là “giặc nội xâm”. Đó là thứ giặc từ bên trong, từ chính những người có chức có quyền. Khi đã tha hóa, biến chất rồi thì họ sẽ lợi dụng chức quyền để đục khoét của công, nhận hối lộ, trù dập người ngay thẳng dám đấu tranh, lợi dụng các mối quan hệ trên dưới để tạo ô dù, vây cánh, lợi dụng sự hiểu biết, nhất là hiểu biết về pháp luật để che chắn tội lỗi, đổi trắng thay đen…

Chính là vì thế, cuộc đấu tranh PCTNLP tuy có đạt được những kết quả quan trọng, song đến thời điểm này tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước ta.

Chủ trương của Trung ương nâng tầm trách nhiệm chỉ đạo công tác PCTNLP lên cơ quan cao nhất của Đảng cầm quyền cũng là ý nguyện của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ý Đảng, lòng dân tạo sức mạnh mới trong cuộc đấu tranh gay go, phức tạp này.

TRẦN  QUÂN
 

.
.
.