Những vấn đề bức xúc của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII
Kỳ họp thứ ba - Quốc hội (QH) khóa XIII làm việc vừa được một tuần. Tuy chưa đến phần chất vấn và trả lời chất vấn nhưng không khí đã sôi động hẳn lên trước những vấn đề bức xúc của cuộc sống.
Ngoài những vấn đề cũ chưa được giải quyết có hiệu quả lại xuất hiện những diễn biến mới như: đất đai, giao thông, giáo dục, dịch bệnh, khám chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi truờng, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí, biển đảo... và vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế.
Tại phiên thảo luận tổ vào sáng ngày 24-5 về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu cho rằng: Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế chỉ mới có khung chứ chưa nêu được giải pháp, cơ chế và nguồn lực để triển khai.
Đặc biệt trong lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nhiều đại biểu nêu ra vụ thua lỗ, tham nhũng ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), sau khi đã có “vết xe đổ” của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại nghị trường. Ảnh: Vnexpress |
Vinashin đổ, chuyển một phần sang Vinalines. Bây giờ Vinalines cũng đổ bể. Tham nhũng nghiêm trọng hơn thời PMU 18. Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) nói: “Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách hưởng tiền hỗ trợ chẳng đáng bao nhiêu mà chưa quyết được, đằng này hàng ngàn tỷ đồng “đổ sông đổ biển”, xót hết cả ruột. Hơn nữa, khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm mà không giám sát, để bỏ chạy, dân họ không tin”.
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân) nói: “Hết Vinashin đến Vinalines đổ, ăn nói thế nào với nhân dân?”. Còn đại biểu Phan Đình Trạc (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) nói: “Kỷ luật, kỷ cương hành chính như thế nào mà trong thời điểm Thanh tra Chính phủ sắp công bố kết luận thanh tra thì lãnh đạo Vinalines vẫn được đề bạt?”… (*).
Những chuyện “nóng” như thế hẳn trong phần chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được đặt ra, giải trình.
Dư luận chung phản ánh trên các loại báo chí là: Sự việc thì đã rõ. Hoan hô các đại biểu QH đã hiểu được những bức xúc của dân. Bây giờ chỉ còn chờ QH, Chính phủ sẽ xử lý cụ thể ra sao để cho dân lấy lại được niềm tin.
Trong kỳ họp này, các đại biểu cũng thảo luận, thông qua một số luật. Liên quan đến các đại biểu còn có Đề án “Đổi mới hoạt động của QH”. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết: Đề án này tập trung đổi mới phương thức, cách thức làm việc của QH, các điều kiện bảo đảm cho QH và đại biểu QH nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, rút ngắn được thời gian kỳ họp, giảm được chi phí.
Một điểm nhấn của đề án là tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH; đổi mới mạnh mẽ hoạt động chất vấn tại QH và Ủy ban Thường vụ QH, lựa chọn các nhóm vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cử tri, dư luận xã hội và các đại biểu quan tâm, ra Nghị quyết chất vấn khi cần thiết.
Nghị quyết chất vấn phải xác định rõ trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri, tổ chức các hội nghị, hội thảo để tham vấn ý kiến chuyên gia, lấy ý kiến của nhân dân, tăng thời lượng truyền hình, truyền thanh trực tiếp về các hoạt động của QH; có các hình thức để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát hoạt động của QH, đại biểu QH…
Hướng về QH với niềm tin hoạt động của QH nước ta ngày càng dân chủ hơn, công khai hơn, chất lượng hơn.
TRẦN QUÂN
(*) Trích các báo: Tuổi Trẻ, Vietnam.net và một số báo điện tử khác.