Kiến nghị của Đoàn ĐB Tiền Giang tại kỳ họp thứ 3 QH K. XIII
Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 21-5 đến 21-6. Trước thềm kỳ họp, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang xoay quanh về chương trình, nội dung của kỳ họp lần thứ 3 và những đề đạt, kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang trong kỳ họp này.
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội gặp gỡ cử tri. |
Những vấn đề trọng tâm của kỳ họp
* PV: Xin ông cho biết kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề trọng
tâm nào?
*Ông Nguyễn Văn Danh: Theo Công văn 775/VPQH ngày 20-4-2012 của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp lần này Quốc hội tập trung vào các vấn đề quan trọng sau:
- Về công tác xây dựng pháp luật:
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Luật Giá; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giám định tư pháp; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Giáo dục đại học; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013.
Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án luật, bao gồm: Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Luật sư; Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
- Về hoạt động giám sát:
Quốc hội thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng và một số báo cáo kết quả giám sát khác của các cơ quan của Quốc hội.
- Về xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng:
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 - Quốc hội XIII…
Xem xét, thông qua các Nghị quyết như: Phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2010; bổ sung 4 dự án vào Danh mục các dự án, công trình được phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, 5 dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển Ninh Thuận, 4 tiểu dự án do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý; một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
5 đề xuất và kiến nghị
* PV: Với cương vị là Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, ông sẽ có những đề xuất, kiến nghị gì?
* Ông Nguyễn Văn Danh: Qua tiếp xúc cử tri trong toàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận rất nhiều ý kiến bức xúc của cử tri kiến nghị đến kỳ họp Quốc hội lần này. Với trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang sẽ phản ảnh đầy đủ và trung thực những ý kiến của cử tri tỉnh nhà tại diễn đàn của Quốc hội, trong đó sẽ tập trung vào những nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, kiến nghị với Quốc hội xem xét, ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (theo chương trình, Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này); đồng thời, sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự với những quy định thật cụ thể, phù hợp với thực tiễn của cuộc sống, nhất là việc xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội, vi phạm trật tự an toàn giao thông nhằm khắc phục tình trạng coi thường pháp luật và vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng của các đối tượng phạm tội.
Thứ hai, tiếp tục kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu hơn để giúp nông dân sản xuất có lãi (ổn định giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào và đảm bảo giá cả đầu ra cho sản phẩm). Đối với việc thực hiện thu mua lúa tạm trữ, Chính phủ cần chủ động có kế hoạch lâu dài để các doanh nghiệp thực hiện kịp thời ngay từ đầu vụ mùa, giúp nông dân an tâm sản xuất; khắc phục tình trạng nông dân bán hết lúa cho thương lái thì Chính phủ mới có chủ trương thu mua, khi đó nông dân không còn lúa để bán, sẽ không được hưởng lợi từ chính sách này.
Thứ ba, kiến nghị với Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi các Quyết định cho phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân hiện nay, cụ thể là:
- Đối với Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở từ 23,5 triệu đồng lên 30 triệu đồng/căn, do hiện nay giá vật tư xây dựng và nhân công tăng rất nhiều so với thời điểm ban hành Quyết định này.
- Đối với Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị được hỗ trợ lãi suất để nông dân được thuận lợi trong việc vay vốn hỗ trợ;
Đồng thời việc hỗ trợ vốn vay này cần được mở rộng đối với các loại máy móc, thiết bị ngoại nhập, nhất là máy gặt đập liên hợp, do các loại máy móc sản xuất trong nước hiện không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, không đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài nên khó có thể khuyến khích nông dân vay vốn để mua các máy móc, thiết bị có hiệu quả sử dụng kém.
- Đối với Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 về ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề nghị cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp với thực tế đời sống nông thôn hiện tại và trong tương lai. Cụ thể như: Tiêu chí về cơ cấu lao động, thu nhập, chợ nông thôn, sân vận động, nghĩa trang… cho phù hợp với nét văn hóa và đặc thù của các xã thuần nông thuộc khu vực ĐBSCL.
Thứ tư, đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý có hiệu quả đối với các điểm Internet công cộng, các điểm kinh doanh game online nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do nghiện game, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống và vi phạm pháp luật từ các hệ lụy nghiện game trong một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay.
Thứ năm, các vấn đề bức xúc khác mà cử tri quan tâm như: Bảo hiểm y tế, y đức trong khám, chữa bệnh; chế độ, định suất đối với cán bộ cấp cơ sở; các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình: Cầu Mỹ Lợi, Quốc lộ 50, kinh Chợ Gạo, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…
Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực hiện việc kiến nghị gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành.
Tại kỳ họp lần này, Đoàn chúng tôi sẽ theo dõi việc giải quyết của các cơ quan chức năng cấp Trung ương và tiếp tục phản ánh các ý kiến, kiến nghị bức xúc của cử tri Tiền Giang tại kỳ họp này.
* PV: Xin cảm ơn ông!
NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)