Thứ Tư, 20/06/2012, 11:00 (GMT+7)
.

Báo Ấp Bắc - những “trang vàng” thời chống Mỹ

Có dịp tiếp cận một số trang hồi ký của cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi thật xúc động trước những tấm gương vượt mọi gian khổ, hy sinh để viết những bài báo phục vụ cho công chúng và cuộc kháng chiến chống đế quốc của cả dân tộc ta nói chung, Tiền Giang nói riêng.

Sau chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963), Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định đổi tên Báo Giải Phóng thành Báo Ấp Bắc. Với tinh thần “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, Báo Ấp Bắc có nhiều bài viết bằng các thể loại như: xã luận, bình luận, tin tức, phóng sự, tin tường thuật, mẩu chuyện điển hình của cá nhân, tổ đội, đơn vị và quần chúng tham gia đánh giặc giỏi, bám đất giữ làng, tố cáo tội ác của địch, kêu gọi binh sĩ địch bỏ ngũ về với nhân dân…, đã góp phần to lớn trên mặt trận tư tưởng của quân, dân Mỹ Tho - Gò Công và cả nước.

Bìa Báo Ấp Bắc xuân trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Bìa Báo Ấp Bắc xuân trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Để có được nhiều tin, bài, đội ngũ biên tập, phóng viên luôn bám sát chiến trường, bám sát đơn vị, bám sát gương điển hình tiên tiến bất cứ ở đâu, dù phải vượt lộ, vượt sông, vượt bom pháo vào vùng địch hậu để săn tin kịp thời, phản ánh tình hình nóng bỏng của chiến trường.

Khó khăn nhất là những lúc địch càn quét đánh phá ác liệt, đội ngũ làm báo luôn linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong hồi ức của Nhà báo Nguyễn Ngọc Châu có ghi: Trong những ngày cuối năm 1971, trong chiến dịch bình định cấp tốc của địch, cơ quan báo luôn bị uy hiếp bởi các cuộc càn quét, bom pháo vì chúng biết đây là một trong những cơ quan đầu não của ta. Có lúc chúng bắn xuống địa điểm cơ quan trên 15.000 quả đạn pháo. Anh em tòa soạn phải liên tục chiến đấu, vừa bảo vệ vừa bảo đảm cho tiếng nói của tờ báo được liên tục.

Hay phóng viên Minh Thông kể lại: Nhiều lúc địch càn quét bắn phá ác liệt, anh em phải ngồi viết báo, làm thơ trên miệng công sự, hay phải thức suốt đêm trong hầm để sắp chữ in báo. Có đêm địch bắn pháo dữ dội, anh em mặc quần đùi đứng dưới công sự ngập nước để in. Có những trang báo phải in đi in lại 2, 3 lần vì bị pháo địch bắn rách.

Trong quá trình công tác cũng như đi săn tin, nhiều phóng viên của tòa soạn đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ như: Vân Lam, Tuấn Ngọc, Trần Hưởng, Trần Công, Trần Thọ, họa sĩ Châu Hồ…

Bằng mọi hình thức lưu hành, báo chí luôn kịp thời về các huyện trong tỉnh Mỹ Tho - Gò Công, vào các trường học, các thị trấn, vào các đồn bót địch thông qua quần chúng nòng cốt binh vận và các tỉnh cũng như nội ô Sài Gòn để mọi người nắm bắt được tình hình chiến sự đang diễn ra ở miền Nam. Đáp lại những khó khăn, mất mát, các cán bộ, phóng viên luôn đươc sống, chiến đấu, làm việc trong sự che chở, đùm bọc đầy nghĩa tình của nhân dân.

Trong tài liệu để lại, nêu điển hình như: Nhiều lúc cơ quan gặp khó khăn không còn gạo, nhưng được nhân dân đùm bọc, đã cung cấp về mọi mặt, như trường hợp vợ chồng anh Hai Hiền ở Hậu Mỹ Bắc - Cái Bè đã bán bò, đem vàng đi cầm lấy tiền mua lúa xay gạo cho cơ quan mượn ăn để làm báo, nuôi công nhân nhà in để in báo, truyền đơn, tài liệu phục vụ cách mạng…

Phóng viên truyền hình tác nghiệp. Ảnh: Đ.L
Phóng viên truyền hình tác nghiệp. Ảnh: Đ.L

Trải qua kháng chiến chống Mỹ, đến ngày 30-4-1975, Báo Ấp Bắc đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý do các cấp, các ngành trao tặng như: Ngày 20-1-1971, Tiểu ban Thông tấn Báo chí được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho tặng Huy chương hạng Nhất với thành tích: “Cán bộ, nhơn viên vững vàng bám trụ tốt, vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Đã ra 1 tờ báo viết 46 bài, 2 tập san, đưa 405 tin, in 59 tờ tin, 89 món đồ, 24.050 số có 139.000 trang”.

Tiếp bước những thành tích vẻ vang của các thế hệ nhà báo đi trước, từ sau ngày giải phóng
30-4-1975 đến nay, đội ngũ cán bộ Ban Biên tập, phóng viên, nhân viên Báo Ấp Bắc đã nhanh chóng trưởng thành, trình độ chuyên môn và lý luận ngày càng được nâng cao, có nhiều bài viết hay, phong phú, đa dạng, phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng và an ninh, xứng đáng là cơ quan của Đảng bộ tỉnh, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang, đáp ứng sự mong mỏi của các tầng lớp nhân dân.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.