Thứ Bảy, 02/06/2012, 06:04 (GMT+7)
.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh:

Góp ý 4 vấn đề về dự án Luật Giáo dục đại học

Sáng ngày 25-5, kỳ họp thứ ba - Quốc hội khóa XIII tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giáo dục đại học, sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, ảnh) đóng góp bổ sung một số ý kiến cụ thể, như sau:

Thứ nhất, về phân tầng đại học: Thống nhất với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tên gọi Đại học Quốc gia Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập vào năm 1945, cần được giữ lại để tiếp tục phát huy thương hiệu của cơ sở đại học đầu tiên của đất nước với bề dày truyền thống hơn một thế kỷ”.

Đề nghị nên có cơ chế Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia do Quốc hội bổ nhiệm, Hiệu trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội phải có 2 lần báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động của Đại học Quốc gia để kịp thời tháo gỡ, chấn chỉnh những khó khăn, vướng mắc. Để thực hiện được việc này, Quốc hội cần xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật có liên quan.

Thứ hai, về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và Hội đồng trường: Cần thiết dự án Luật nên quy định rõ: Cơ sở giáo dục đại học công lập là cơ sở phi lợi nhuận và phải gắn kết được việc thực hiện quyền tự chủ với cơ chế phi lợi nhuận của cơ sở giáo dục đại học công lập, nhằm khẳng định rõ hơn nữa trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao của cơ sở giáo dục đại học công lập ở nước ta hiện nay.     

Để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường thì Chủ tịch Hội đồng trường không phải là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và chức danh Chủ tịch Hội đồng trường phải do cơ quan chủ quản bổ nhiệm, là những người thực sự có đầy đủ uy tín và chuyên môn.

Mặt khác, trong thành phần Hội đồng trường nên quy định cụ thể tỷ lệ các thành phần (như tỷ lệ thành viên Hội đồng được chỉ định, được bầu chọn; tỷ lệ người ngoài nhà trường, bao gồm cả cơ quan chủ quản, tài chính, các chuyên gia…) nhằm phát huy hiệu quả tích cực hoạt động của Hội đồng trường đúng theo quy định của pháp luật.

Đây chính là cơ chế hiệu quả để tăng cường giám sát gắn với việc tăng quyền tự chủ, tránh tình trạng thực hiện tự chủ mà các trường chạy theo nguồn thu, lợi nhuận, mở rộng đào tạo và liên kết đào tạo nhằm tăng thu, coi nhẹ việc nâng cao chất lượng đào tạo và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, về đào tạo sau đại học ở các ngành chuyên môn: Đề nghị nội dung quy định của dự thảo Luật về “Trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học” (Khoản 1, Điều 5) cần xem xét chỉnh sửa, bổ sung như sau: “Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồm trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng bộ chuyên ngành quy định cụ thể việc đào tạo, liên thông đào tạo trình độ sau đại học chuyên kỹ năng thực hành… cho người đã tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn” để nếu có sai sót về chuyên ngành đào tạo thì Bộ trưởng chuyên ngành phải chịu trách nhiệm chứ không phải Bộ GD&ĐT.

Thứ tư, về chuẩn kiến thức, kỹ năng: Chuẩn kiến thức, kỹ năng phải do cơ quan quản lý ban hành (bộ, ngành chuyên môn sử dụng nhân lực, hoặc tổ chức xã hội, nghề nghiệp quy định…). Trên cơ sở chuẩn đó, các trường đại học công bố chuẩn của mình và buộc phải cao hơn chuẩn quốc gia, khi đó sẽ đảm bảo chính xác hơn việc đánh giá chất lượng của sinh viên khi đã tốt nghiệp đại học thông qua tỷ lệ đạt được (1,2 hay 1,5…) so với chuẩn kiến thức, kỹ năng đã ban hành.

Đề nghị dự án Luật cần bổ sung quy định về “chuẩn kiến thức, kỹ năng” (Khoản 6, Điều 4) như sau: “Chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà người học phải đạt được sau khi kết thúc một chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành”.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.