Thứ Tư, 20/06/2012, 11:27 (GMT+7)
.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

3 vấn đề đóng góp, bổ sung vào dự án Luật Quảng cáo

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quảng cáo, sẽ được QH xem xét thông qua tại kỳ họp này. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, ảnh) đã đóng góp bổ sung nhiều vấn đề, cụ thể như sau:

Một là, về điểm chung, dự án Luật đã quy định ranh giới rất rõ ràng về việc cấm và cho phép quảng cáo, như thế là cứng nhắc, sẽ dễ dẫn đến tình trạng mặt hàng nào không cấm có nghĩa là được quảng cáo tràn lan.

Đề nghị bổ sung thêm điều luật quy định về “hạn chế quảng cáo”, trong đó giải thích rõ hạn chế quảng cáo về thời điểm (thời gian cụ thể trong ngày), hạn chế về thời lượng (một hay nhiều lần trên tivi trong một ngày; thời gian mỗi lần quảng cáo không quá 1 hay 2 phút trong các chương trình phát thanh, phát hình…), hạn chế về địa điểm (hạn chế hoặc cấm quảng cáo ở những nơi cụ thể, như việc cấm quảng cáo rượu, bia ở bệnh viện, trường học…).

Về danh mục các loại hàng hóa bị hạn chế quảng cáo, đề nghị cần nghiên cứu thật cụ thể để đảm bảo quy định của Luật phù hợp với đời sống xã hội. Ví dụ, về rượu, bia có nồng độ cồn dưới 15 độ, nếu không cấm được thì phải quy định đó là loại hàng hóa cần hạn chế quảng cáo; hoặc cần quy định hạn chế quảng cáo đối với các loại thực phẩm chức năng, các loại chất dinh dưỡng thay thế sữa mẹ, một số loại thuốc, trang phục lót hay một số dịch vụ nhạy cảm khác...

Dự án Luật Quảng cáo cần bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc về pháp lý, để từ cơ sở đó, các luật chuyên ngành sau này sẽ quy định cụ thể và chi tiết; sau này Luật về kiểm soát rượu, bia sẽ quy định cụ thể và hợp lý hơn việc quảng cáo rượu, bia hoặc việc cho phép hay không cho phép quảng cáo một số loại thuốc, một số loại dược phẩm phục vụ chữa bệnh, ngăn ngừa bệnh tật cho người sẽ do Luật Dược quy định cụ thể.

Ngoài ra, liên quan đến quảng cáo rượu, bia, đề nghị cần có quy định cấm hoặc hạn chế quảng cáo đối với tất cả các loại rượu, bia, với nguyên nhân cơ bản là nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân, góp phần hạn chế tai nạn giao thông, là vấn đề mà xã hội đang bức xúc… Do vậy, việc cấm hoặc hạn chế quảng cáo rượu, bia cần phải được pháp luật quy định cụ thể, qua đó kêu gọi các ngành, các cấp và cộng đồng người dân quyết tâm thực hiện đạt kết quả tốt.

Hai là, đề nghị dự án Luật xem xét bổ sung quy định về khuyến khích quảng cáo đối với các nội dung, hình ảnh mang tính cổ động nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an toàn giao thông,… như quảng cáo kêu gọi thực hiện việc rửa tay trước khi ăn nhằm phòng, chống các dịch bệnh; quảng cáo khuyến khích mọi người tích cực tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; quảng cáo hưởng ứng “Năm an toàn giao thông”, “Tháng hành động vì bảo vệ môi trường”, “Tháng hành động vì trẻ em”….

Do vậy, Luật cần phải bổ sung quy định cụ thể các nội dung cần được khuyến khích quảng cáo và khi khuyến khích quảng cáo các nội dung này thì việc thực hiện các thủ tục quy định cần được đơn giản hóa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chung trong phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cộng đồng người dân.

Ba là, đề nghị dự án Luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về “danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác” (được quy định tại Khoản 7, Điều 8) và “các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt” (được quy định tại Khoản 2, Điều 20) để Chính phủ làm căn cứ thực hiện đúng quy định của Luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo.

Như vậy, Chính phủ được mở rộng danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo theo nguyên tắc mà Luật đã giao để tránh hiểu rằng Chính phủ có thể sửa Luật.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.