Đại biểu Quốc hội Tiền Giang góp ý xây dựng Luật Tài nguyên nước
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), sẽ được QH xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Đoàn Đại biểu QH tỉnh Tiền Giang, ảnh) cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trình Quốc hội và có một số ý kiến đóng góp như sau:
* Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đối với nước biển trong vùng nội thủy và lãnh hải:
Tại Điều 1 của dự thảo Luật quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra trên lãnh thổ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Theo quy định này, nước trong vùng nội thủy, lãnh hải thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật là phù hợp với quy định của Điều 1, Hiến pháp nước ta.
Theo đó, xác định nước Việt Nam và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời là phù hợp với các quy định của Công ước, Luật Biển năm 1982 và cũng được thể hiện trong dự án Luật Biển sẽ trình ra Quốc hội trong kỳ họp này.
Đối với vùng nước nội thủy, Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với vùng lãnh hải; do vậy đề nghị Luật cần bổ sung quy định về quản lý tài nguyên nước trong phạm vi lãnh thổ. Đối với vùng nước của vùng tiếp giáp với lãnh hải, vùng độc quyền kinh tế, thềm lục địa sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật khác sẽ phù hợp hơn.
Mặt khác, đề nghị cần bổ sung quy định nước nội thủy, nước lãnh hải vào danh mục nguồn nước được quy định tại Khoản 3, Điều 7; bổ sung vào Khoản 1, Điều 15 dự thảo Luật quy định các loại quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch tài nguyên nước nội thủy, lãnh hải; bổ sung vào dự thảo Luật tại Điều 69 và Điều 70 về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước đối với hai vùng nước này.
Về mặt kỹ thuật, nên thay cụm từ “trên lãnh thổ” bằng cụm từ “trong phạm vi lãnh thổ” sẽ chặt chẽ hơn về quy định của Luật.
* Về lập quy hoạch tài nguyên nước:
Đề nghị cần nghiên cứu nội dung quy định về thẩm quyền phê duyệt, thông qua giữa UBND và HĐND cấp tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND; đồng thời, cũng tại điều này, đề nghị xác định rõ vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Hội đồng Quốc gia về tài nguyên nước trong việc thẩm định quy hoạch tài nguyên nước chung cho cả nước trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
* Về bảo vệ tài nguyên nước, đề nghị xem xét 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước tại Khoản 4, Điều 25, quy định người phát hiện hành vi, hiện tượng gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn nguồn nước có trách nhiệm ngăn chặn hoặc báo cho chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức gần nhất để kịp thời xử lý. Quy định như thế là chưa thật đầy đủ, đề nghị quy định rõ về trách nhiệm của chính quyền địa phương sau khi nhận được báo cáo.
Thứ hai, tại Khoản 3, Điều 26 quy định việc xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… nếu có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước; đề nghị bổ sung quy định “phương án đó phải được cơ quan chuyên môn quản lý tài nguyên nước xác nhận là đạt yêu cầu”, nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật và đảm bảo chặt chẽ hơn trong công tác quản lý Nhà nước.
* Về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (tại Điều 64):
Đề nghị không nên quy định việc thu tiền trong trường hợp khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn, nhằm thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong điều kiện không thực hiện được việc hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
* Đối với quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (tại Khoản 3, Điều 44):
Đề nghị cần bổ sung quy định có tính nguyên tắc theo hướng quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan chức năng ban hành và thực hiện quy định này, nhằm đảm bảo cho việc thực thi luật được thống nhất, đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
ĐĂNG HIẾU (lược ghi)