Thứ Bảy, 16/06/2012, 08:59 (GMT+7)
.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Đoàn ĐBQH Tiền Giang góp ý xây dựng Luật Giám định tư pháp

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giám định tư pháp, sẽ được QH xem xét thông qua tại kỳ họp này. Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, ảnh) đóng góp bổ sung những vấn đề sau:

* Về tổ chức giám định tư pháp công lập (được quy định tại Điều 12):

Thống nhất với những nội dung quy định tại phương án 2 của dự án luật là Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi; bởi vì, trong những năm qua, lực lượng pháp y Công an nhân dân đã không ngừng được củng cố và phát huy hiệu quả; đội ngũ bác sĩ pháp y, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật được tăng cường.

Pháp y CA cấp tỉnh giữ vai trò rất quan trọng, đã giám định nhanh chóng, kịp thời, chính xác để phục vụ cho công tác điều tra, truy xét “nóng” về đối tượng và hung khí gây án. Trước diễn biến của tình hình tội phạm hiện nay, việc không tổ chức lực lượng pháp y ở CA cấp tỉnh sẽ có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.

* Về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (được quy định tại Điều 14):

Đề nghị trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện xã hội hóa giám định tư pháp nên có giới hạn, chưa nên mở rộng. Thống nhất với quy định tại Điều 14: “Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập do giám định viên tư pháp thành lập trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả”; còn các lĩnh vực khác, việc giám định tư pháp do tổ chức, cá nhân giám định theo vụ việc đảm nhận là phù hợp.

* Về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp (được quy định tại Điều 7):

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 7 quy định: “Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở các tổ chức này thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 3 năm trở lên”. Đề nghị xem lại quy định này, vì đối với giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự là một trong những lĩnh vực rất quan trọng, kết quả giám định quyết định kết quả điều tra, truy tố, xét xử.

Vì vậy, hơn ai hết, những giám định viên phải cần có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn giỏi. Đề nghị tiêu chuẩn chung bổ nhiệm giám định viên tư pháp là 5 năm, không cần thiết phải phân biệt giữa giám định viên tư pháp và giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.

* Về quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp (được quy định tại Điều 11):

Đề nghị tách các quy định về quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp tại Khoản 1 điều này thành 2 khoản riêng biệt. Trong đó Khoản 1 quy định về quyền của giám định viên tư pháp, Khoản 2 quy định về nghĩa vụ của giám định viên tư pháp.

Đồng thời, đề nghị bổ sung nghĩa vụ: “Phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực, khách quan” cho phù hợp với Điều 68 của Luật Tố tụng dân sự, Điều 57 của Luật Tố tụng hành chính hiện hành và phù hợp với Điểm c, Khoản 2, Điều 22 về quyền của người yêu cầu giám định quy định: “Được đề nghị tòa án triệu tập người thực hiện giám định tư pháp tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định”.

* Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp (được quy định tại Điều 24):

Điểm d, Khoản 2 điều này quy định: “Thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định và nêu lý do trong trường hợp từ chối nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp”, nhưng không quy định thời gian. Để đảm bảo quy định được khả thi và quy định rõ nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu và yêu cầu giám định tư pháp, đề nghị bổ sung vào cuối đoạn này nội dung quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định”.

* Về giám định bổ sung, giám định lại (được quy định tại Điều 29):

Thống nhất nội dung quy định những trường hợp được giám định bổ sung và giám định lại theo quy định của dự án luật, nhưng đề nghị dự án Luật cần quy định rõ:

- Dự án Luật chỉ quy định “việc giám định lại được thực hiện theo trưng cầu của người trưng cầu giám định”, còn việc giám định bổ sung được thực hiện theo yêu cầu của ai?

- Tại Điểm d, Khoản 2, Điều 22 quy định: Người yêu cầu giám định có quyền “yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng giám định lại, giám định bổ sung” nhưng quy trình thực hiện như thế nào?

* Về Hội đồng giám định (được quy định tại Điều 30):

Tại Khoản 2 quy định “Trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định” là khó thực hiện. Cụ thể là: Trong “trường hợp đặc biệt” là trường hợp nào? Và khi đã có kết luận của Hội đồng giám định thì giám định lại do ai giám định? Đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể hơn.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.