Thứ Hai, 04/06/2012, 15:38 (GMT+7)
.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Góp ý 4 vấn đề để nâng chất hoạt động của Quốc hội

Chiều 28-5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII tiến hành thảo luận ở tổ về Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Tại buổi thảo luận, Đại biểu Nguyễn Văn Danh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia phát biểu ý kiến, góp ý nhiều vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Danh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận tổ.
Ông Nguyễn Văn Danh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội.

* Về hoạt động lập pháp:

- Việc xây dựng pháp luật của QH vừa qua tuy có bước cải tiến, nhưng thực tế vẫn còn mang tính chủ trương, tính nguyên tắc, chính sách chung; còn rất nhiều nội dung chưa được quy định cụ thể trong luật, trong pháp lệnh.

Trong khi tại Khoản 1, Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay”; và việc thực hiện quy định về quy định chi tiết phải được ban hành như nghị định, thông tư của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương thường thì rất chậm, gây khó khăn cho việc hướng dẫn và triển khai thực hiện.

Để đảm bảo tính chặt chẽ của luật, đảm bảo việc thực thi luật được kịp thời, cần thiết phải đổi mới công tác biên soạn dự thảo luật, pháp lệnh theo hướng gắn gọn, đề cập đến những vấn đề cụ thể, thiết thực, liên quan trực tiếp đến đối tượng điều chỉnh, đến đời sống xã hội và công tác quản lý của Nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất việc giao cho cơ quan Nhà nước thẩm quyền quy định chi tiết thực thi luật, nhất là đối với các luật chuyên ngành thì càng phải rõ ràng hơn.

Mặt khác, những văn bản luật, pháp lệnh phải quy định rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết đối với những điều, khoản cụ thể được giao trong luật (nhất là những vấn đề về địa vị pháp lý, về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, tính khả thi và tính hiệu quả của luật, pháp lệnh phải được chú trọng đặc biệt trước khi hình thành dự thảo và trong quá trình biên soạn dự án Luật).

Cần kiên quyết không đưa vào chương trình làm việc của QH những dự án luật chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng có dự án luật vừa mới đưa vào chương trình làm việc của QH thì đã có đề nghị điều chỉnh tiến độ xây dựng luật.

- Đối với việc tham gia góp ý kiến xây dựng luật, cần mở rộng hơn việc lấy ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân để huy động, phát huy được trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của người dân trong tham gia hoạt động lập pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

Có như vậy thì khi luật được ban hành và có hiệu lực pháp luật sẽ đi vào cuộc sống, đi vào đời sống xã hội tốt hơn. Đồng thời, đối với các dự án luật có liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân như Hiến pháp, các Bộ luật khác… thì việc lấy ý kiến người dân cần phải được quy định bắt buộc.

* Về hoạt động giám sát:

Đề nghị Đề án cần quy định rõ hơn đối với QH, đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH thực hiện giám sát đối với việc thực hiện những vấn đề đã hứa khi trả lời chất vấn hoặc trả lời những kiến nghị qua tiếp xúc cử tri. Tránh tình trạng không hoặc chậm thực hiện những việc đã hứa của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Mặt khác, Đề án cần xem xét, bổ sung quy định việc tổ chức thực hiện tốt quy định của Luật Hoạt động giám sát của QH về “Người đã trả lời chất vấn tại kỳ họp QH, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH hoặc đã trả lời chất vấn của đại biểu QH bằng văn bản có trách nhiệm báo cáo với các đại biểu QH bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã hứa khi trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp theo”.

* Về việc tổ chức kỳ họp QH:

Đề nghị cần thực hiện đúng về thời gian gửi đại biểu QH các nội dung tài liệu kỳ họp đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết trình QH xem xét, cho ý kiến và dự án luật, dự thảo nghị quyết trình QH xem xét, thông qua tại một kỳ họp thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp; đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh lý, trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp sau thì chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp). Còn nếu thấy quy định như trên là không hợp lý, thì sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp, khắc phục tình trạng gửi chậm các tài liệu như đã nêu.

Đối với việc thực hiện gửi tài liệu kỳ họp bằng văn bản điện tử đến đại biểu QH và sử dụng nghiên cứu các loại tài liệu trên máy tính, đây là một tiến bộ mới, có điểm thuận lợi là giúp cho đại biểu có điều kiện tiếp cận sớm các tài liệu, có thời gian tham khảo, lấy ý kiến các ngành, các chuyên gia…

Tuy nhiên, do tài liệu kỳ họp có quá nhiều nội dung và với số lượng trang rất lớn nên việc nghiên cứu tài liệu bảng điện tử trên máy tính khó tập trung (chưa nói đến việc ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng máy tính với thời gian dài và khi họp, thảo luận ở Hội trường sẽ khó đảm bảo việc tập trung theo dõi nội dung kỳ họp); còn nếu các Đoàn tổ chức in các loại tài liệu này để cung cấp cho các đại biểu nghiên cứu thì tốn kém kinh phí và bất tiện cho việc vận chuyển tài liệu phục vụ cho đại biểu tại kỳ họp.

Do đó, Đề án cần xem xét, cân nhắc kỹ hơn đối với vấn đề này với yêu cầu đảm bảo hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm kinh phí.   

* Về công tác đảm bảo đối với đại biểu QH hoạt động chuyên trách:

Luật Tổ chức QH hiện hành có 2 điều quy định cụ thể về đại biểu QH hoạt động chuyên trách (Điều 45 và Điều 59), chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của đại biểu QH chuyên trách tại địa phương. Điều này đã làm hạn chế rất nhiều đến hiệu quả hoạt động của đại biểu QH chuyên trách.

Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ QH sớm xem xét để có quy định rõ về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của đại biểu QH chuyên trách tại địa phương, giúp cho hoạt động của đại biểu được thuận lợi và hiệu quả.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.