Thứ Hai, 11/06/2012, 08:02 (GMT+7)
.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Góp ý bổ sung dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật.

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, ảnh) cơ bản thống nhất với nội dung giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có một số ý kiến đóng góp bổ sung như sau:

Về Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (được quy định tại Điều 7): Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã và đang phát huy tích cực hiệu quả của việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng địa phương, do đó việc thành lập hội đồng này ở các cấp là cần thiết.

Tuy nhiên, dự án Luật cần quy định cụ thể cấp được thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở Trung ương và địa phương; đồng thời, bổ sung rõ quy định về chức năng, nhiệm vụ của hội đồng này nhằm đảm bảo tính thống nhất chung và đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện quy định này.

Về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (được quy định tại Điều 8): Việc lấy 1 ngày trong năm làm Ngày Pháp luật là cần thiết, hiệu quả và có ý nghĩa sâu sắc; ngoài việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, đây còn là dịp để các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân tìm hiểu sâu sắc hơn về truyền thống “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của dân tộc ta; cùng nhau đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân đã làm được và chưa làm được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cấp, của từng khu dân cư.

Đồng thời, đây cũng là dịp để xã hội tuyên dương, khen thưởng nhằm động viên những cá nhân, tập thể, những mô hình hay, những giải pháp tốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới.

Về nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (được quy định tại Điều 10 và Điều 11): Đề nghị ngoài những nội dung trọng tâm được quy định tại điều này, cần quy định cụ thể hơn các nội dung quy định và xem xét bổ sung quy định các lĩnh vực khác, nhất là những chính sách, pháp luật liên quan đến những vấn đề, lĩnh vực bức xúc của xã hội và liên quan thiết thực đến đời sống của người dân hiện nay…

Về nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân (được quy định tại Điều 23): Thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, quy định rõ mục tiêu giáo dục pháp luật đối với từng cấp học, trình độ đào tạo, trong đó quy định đối với chương trình giáo dục mầm non và tiểu học được giáo dục lồng ghép.

Tuy nhiên, quy định như thế là chưa đầy đủ và còn quá chung, bởi lẽ: Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục đối với bậc học mầm non và tiểu học chủ yếu cần tập trung giáo dục và rèn luyện thói quen phù hợp với chuẩn mực đạo đức, các quy tắc ứng xử của con người trong cuộc sống; giáo dục ý thức kỷ luật, ý thức chấp hành các quy tắc cơ bản, nguyên tắc tham gia giao thông, bảo vệ môi trường…

Đề nghị dự án Luật cần xem xét điều chỉnh nội dung quy định này cho phù hợp với thực tế yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với lứa tuổi, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đối tượng này.

Về nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù (được quy định tại Mục 2, Chương II): Đồng tình với nội dung quy định của dự án Luật, ngoài đối tượng chung là công dân thì cần thiết phải quy định các đối tượng đặc thù cần được ưu tiên phổ biến, giáo dục pháp luật là những người ít có khả năng, điều kiện để tiếp cận pháp luật.

Tuy nhiên, từ thực tiễn hiệu quả công tác tác phổ biến, giáo dục pháp luật vừa qua, đề nghị dự án Luật cần xem xét, bổ sung đối tượng đặc thù bao gồm luôn cả chức sắc các tôn giáo. Bởi lẽ, chức sắc các tôn giáo đa phần là những người có uy tín trong cộng đồng tôn giáo, việc thông qua hoạt động của các chức sắc tôn giáo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ góp phần tuyên truyền, vận động các tín đồ và nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.