Góp ý nhiều vấn đề quan trọng xây dựng dự án Luật Giá
Sáng ngày 28-5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giá. Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nêu lên nhiều vấn đề:
1. Về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (Điều 15)
Tại Khoản 2 về Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, đề nghị bổ sung “thuốc bảo vệ thực vật” vào điểm d, Khoản 2 trong điều này và chỉ bình ổn giá đối với một số loại thuốc bảo vệ thực vật cụ thể phục vụ cho phòng, trị các bệnh trên cây trồng, không quy định chung là “thuốc bảo vệ thực vật” sẽ khó quản lý, nhất là các loại thuốc kích thích tăng trưởng, ảnh hưởng đến môi trường.
Đề nghị giao cho Bộ NN&PTNT quy định chi tiết đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật thực hiện bình ổn giá; đồng thời bổ sung “nước sạch sinh hoạt” vào danh mục này, do đây là một trong các mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.
Thực tế ở các vùng sâu, vùng xa, giá cả mặt hàng này đắt đỏ, vượt quá khả năng của người sử dụng, nên cần đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Mặt khác, thực hiện bình ổn giá đối với tất cả các loại sữa uống và xăng, dầu; bãi bỏ việc quy định về giá xăng, dầu cơ sở như đã thực hiện vừa qua nhằm đảm bảo ổn định giá cả chung, góp phần ổn định cuộc sống của người dân và giao Chính phủ quy định việc đảm bảo an ninh năng lượng bằng các cơ chế, chính sách khác.
Đại biểu QH Trần Văn Tấn phát biểu tại hội trường. |
2. Về hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá (Điều 19)
Xuất phát từ kinh nghiệm các nước trên thế giới là không có một nền kinh tế thị trường hoàn hảo, cũng như không có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung hoàn toàn, mà thay vào đó là một nền kinh tế phối hợp. Tùy ở mỗi nước mà các yếu tố thị trường nhiều hay ít.
Vì vậy, thống nhất với việc quy định của dự án Luật về định giá của Nhà nước đối với giá bán các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, nhưng cần dựa vào điều kiện thực tế của nước ta, quan trọng hơn là khi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì cần chú ý đến các loại hàng hóa, dịch vụ có lợi nhất cho đại đa số người dân.
Với ý nghĩa đó, đề nghị trong điều kiện ngành Điện còn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam độc quyền hoàn toàn (về phát điện: 60%, truyền tải điện: 100%, phân phối điện: 100%, khai thác điện: 100%) thì Nhà nước phải định mức giá cụ thể đối với giá bán lẻ điện, không để doanh nghiệp tự định giá.
3. Về việc thẩm định giá của Nhà nước (mục IV):
Cơ bản thống nhất là phải có cơ quan thẩm định giá của Nhà nước, nhưng dự án Luật chỉ quy định có 3 điều rất chung chung, vì vậy đề nghị dự án Luật cần quy định rõ: Tổ chức của Hội đồng thẩm định giá bao gồm thành phần, điều kiện và tiêu chuẩn quy định đối với thành viên Hội đồng nhằm tạo sự công bằng đối với các thẩm định viên về hành nghề tại các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ thẩm định giá.
Luật cũng cần quy định về quyền và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá; bổ sung quy định tại Điều 44: “Giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết quy định tại Khoản 3, Khoản 4 điều này về tài sản thuộc bí mật Nhà nước, tài sản có giá trị lớn để thực hiện thống nhất trên cả nước khi Luật có hiệu lực”.
Mặt khác, dự án Luật cần thiết phải quy định cụ thể thời hạn chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá sau khi đã giải thể, nhằm tránh tình trạng không ai chịu trách nhiệm đối với kết quả thẩm định giá thiếu chính xác, không trung thực.
4. Điều 3 - Áp dụng luật
Đề nghị sửa tên điều này thành “Áp dụng pháp luật” để được rõ nghĩa, dễ hiểu, bao quát được toàn bộ nội dung quy định tại Điều 3 này; đồng thời bỏ từ “nước” trước cụm từ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và thay cụm từ “ký kết hoặc gia nhập” bằng cụm từ “là thành viên” để nội dung quy định được ngắn gọn, dễ hiểu và thống nhất với các văn bản Luật đã ban hành về cách diễn đạt đối với nội dung này.
Như vậy, Khoản 2, Điều 3 được thể hiện lại như sau: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.
5. Điều 42: Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
Đề nghị chuyển Khoản 3, Điều 41 sang Khoản 2 của điều này, vì đây là nghĩa vụ của doanh nghiệp “chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của chi nhánh thẩm định giá do doanh nghiệp lập ra” và bổ sung nghĩa vụ “thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng thẩm định giá”. Vì đây cũng là các nghĩa vụ cơ bản của doanh nghiệp thẩm định giá.
6. Đảm bảo tính chính xác đối với việc dẫn chiếu các điều luật
Đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại nhằm đảm bảo tính chính xác đối với việc dẫn chiếu các điều luật trong dự án Luật, cụ thể tại các Điều như: Điều 22: Thẩm quyền và trách nhiệm định giá; Điều 35: Thẩm định viên về giá hành nghề; Điều 36: Những người không được hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá; Điều 40: Đình chỉ kinh doanh, dịch vụ thẩm định giá và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, dịch vụ thẩm định giá; Điều 45: Phương thức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước; đồng thời Khoản 2 của Điều 40 quy định “Doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ “kiểm toán… khi thuộc một trong các trường hợp sau đây”, đề nghị thay cụm từ “kiểm toán” bằng cụm từ “thẩm định giá” cho đúng với nội dung quy định của Điều này.
ĐĂNG HIẾU (lược ghi)