Góp ý thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII làm việc tại hội trường để thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và cạnh tranh.
Phát biểu góp ý cho đề án, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, ảnh) đã nêu những vấn đề cụ thể để QH xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của Đề án, cụ thể là:
* Thứ nhất, về nội dung:
Đề nghị cần nghiên cứu để xây dựng đề án như một hệ thống chính sách để tập trung thực hiện 3 đột phá trong 5 bộ phận hợp thành của đề án như: Về thể chế, về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
Đồng thời, khi triển khai đề án, cần xác định thứ tự ưu tiên đối với từng chủ thể thực hiện từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng và có lộ trình cụ thể thực hiện tái cơ cấu. Ngành, vùng, lĩnh vực nào thực hiện trước, thực hiện đồng thời hoặc thực hiện sau ở những khâu đột phá, lĩnh vực trọng điểm nhằm tạo sức lan tỏa và tạo động lực phát triển tổng thể nền kinh tế, khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan và kém hiệu quả.
* Thứ hai, về định hướng tái cơ cấu cụ thể đối với ngành Nông nghiệp:
Nội dung đề án chỉ mới xác định các mục tiêu định tính đối với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Đề nghị cần xác định mục tiêu định lượng cụ thể đối với cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài.
Trong đề án cần xác định rõ nguồn lực về tài chính và cụ thể về lộ trình thực hiện, cũng như cần có cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp từ 20,6% GDP xuống còn 15% GDP, nếu không sẽ không đảm bảo được tính khả thi của đề án.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, đề nghị QH, Chính phủ cần nghiên cứu để ban hành những giải pháp, chính sách cụ thể, thiết thực, có tính đột phá trên từng lĩnh vực như: Đầu tư công; quan tâm đầu tư về giống nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả hoạt động chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; ưu tiên phát triển những lĩnh vực tiềm năng như thủy sản, công nghiệp chế biến, xây dựng hệ thống sản xuất, hệ thống cung ứng các sản phẩm nông sản; xúc tiến thương mại; hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Song song đó, đề án cần tập trung quan tâm đến việc đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất và việc hình thành vùng sản xuất chuyên canh; có giải pháp hiệu quả trong việc giải quyết những bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; cần sớm sửa đổi Luật Đất đai để giao đất theo hướng ổn định, lâu dài cho nông dân trực tiếp sản xuất, mở rộng diện tích ruộng đất nhằm phát triển sản xuất có khối lượng hàng hóa lớn; có chính sách cụ thể, hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đầu tư vào hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tạo khâu đột phá nhằm phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
* Thứ ba, cần xem xét, có giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và việc đổi mới tư duy có tính hệ thống đã tồn tại từ lâu ở nước ta, nay đã không còn phù hợp, nhất là về cơ chế thị trường, về vai trò quản lý của Nhà nước, về doanh nghiệp Nhà nước, về doanh nghiệp tư nhân… và đề nghị QH, Chính phủ nghiên cứu thành lập Ủy ban Độc lập để thực hiện đề án; cần quy định cụ thể mang tính pháp lý rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban này nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện đề án được đồng bộ và hiệu quả.
* Thứ tư, sớm xem xét để có giải pháp cấp bách nhằm giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong đầu tư công hiện nay, đó là phải đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả công tác phân cấp trong quản lý.
Bởi thực tế hiện nay, việc quản lý về chuyên môn ở một số bộ, ngành chức năng còn tồn tại những bất cập, không phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương nên đã làm hạn chế đến hiệu quả đầu tư; trong khi đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cấp quản lý trực tiếp, cụ thể với các hoạt động đầu tư, với các hoạt động của doanh nghiệp; là cấp quản lý chặt chẽ các nguồn lực ở địa phương (như nguồn lực về đất đai, về lao động…); đồng thời cũng là cấp hiểu rất rõ về nhu cầu và lợi ích của các tầng lớp nhân dân, của doanh nghiệp, của nhà đầu tư…
Do đó, thực hiện mạnh việc phân cấp quản lý cho chính quyền các địa phương là một yêu cầu cần thiết hiện nay nhằm thực sự tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý Nhà nước, góp phần thúc đẩy có hiệu quả việc thực hiện đề án.
* Thứ năm, trong quá trình thực hiện đề án, sẽ có không ít doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, điều chỉnh về đầu tư… cùng với việc thực hiện cắt giảm đầu tư công, sẽ khiến cho một số dự án sẽ đình, giãn hoặc hoãn thực hiện; khi đó, sẽ có một bộ phận không nhỏ người lao động thiếu việc làm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện đề án cần đảm bảo 50 triệu lao động phải có tay nghề và có chất lượng, đây là một thách thức lớn. Do vậy, đề nghị cần phải có kế hoạch, lộ trình và bước đi phù hợp để đảm bảo ổn định an sinh xã hội và hiệu quả của đề án.
Đồng thời, với chỉ tiêu đặt ra là đến năm 2020, lao động nông nghiệp ở nước ta chỉ còn 20%, như vậy sẽ có một số lượng rất lớn lao động nông thôn tập trung đổ dồn đến các khu đô thị, các khu, cụm công nghiệp để tìm việc làm là cả một vấn đề lớn đặt ra. Do vậy, đề nghị cần xem xét để có giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề trên, góp phần đảm bảo hiệu quả thực hiện đề án.
ĐĂNG HIẾU (lược ghi)