Thứ Tư, 13/06/2012, 10:09 (GMT+7)
.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Nhiều đề xuất xây dựng dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, sẽ được QH xem xét thông qua tại kỳ họp này. Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Trần Văn Lan (Đoàn Đại biểu QH tỉnh Tiền Giang, ảnh) đề xuất:

* Về một số vấn đề chung:

- Thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính, vì dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, quy định chung về xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Mặt khác, giữa xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tuy có một số điểm khác nhau, nhưng vẫn có điểm chung như: Nguyên tắc xử lý vi phạm, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và của cá nhân.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, tính pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp xử lý hành chính phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tạo sự đồng bộ và thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đề nghị về lâu dài QH cần xem xét ban hành Bộ luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Việc giao cho Tòa án thẩm quyền xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo thủ tục tư pháp là phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách bộ máy Nhà nước trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này phải có lộ trình phù hợp với điều kiện về năng lực thực hiện của ngành Tòa án, trước mắt chỉ nên giao Tòa án nhân dân quyết định áp dụng 3 biện pháp xử lý vi phạm hành chính, đó là đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở chữa bệnh và đưa vào cơ sở giáo dục; còn biện pháp giáo dục tại xã (phường, thị trấn) tiếp tục giao cho Chủ tịch UBND xã (phường, thị trấn) quyết định.

- Trong nội dung dự án Luật, tại các quy định đã sử dụng cụm từ “có thể” ở nhiều điều (như Điều 20, Điều 22, Điều 23, Điều 67, Điều 111, Điều 125…) là không phù hợp về tính pháp lý của luật, dễ dẫn đến việc thực hiện không đảm bảo thống nhất hoặc việc áp dụng Luật tùy tiện ở từng nơi, từng cấp.

Do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét, rà soát lại toàn bộ nội dung dự án Luật để thay thế bằng những cụm từ phù hợp, nhằm khẳng định rõ hành vi vi phạm hoặc không vi phạm để thực hiện biện pháp xử lý đúng và hiệu quả.

* Về phạt tiền đối với vi phạm hành chính (được quy định tại Điều 23 và 24):

Việc quy định về phạt tiền trong dự thảo Luật chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự về các nội dung có liên quan sau:

- So sánh mức phạt tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự và dự thảo Luật thì hiện nay quy định mức phạt tiền trong Bộ luật Hình sự nhìn chung còn thấp so với mức xử phạt vi phạm hành chính trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (mức phạt tiền tối đa trong dự thảo Luật lên đến 2 tỷ đồng là quá cao, có thể dễ phát sinh tiêu cực giữa người vi phạm và người thi hành công vụ).

- Về quy định mức phạt tiền cao (mức tối thiểu tăng gấp 5 lần, mức tối đa tăng gấp 4 lần): Thực tế hiện nay, chúng ta thấy rằng, mức phạt tiền cao không phải là giải pháp duy nhất và hữu hiệu để hạn chế vi phạm, mà điều quan trọng hơn là cần kết hợp với các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Bộ luật Hình sự quy định mức phạt tiền thấp cũng là theo nguyên tắc này. Như vậy, việc tăng mức phạt tiền là cần thiết, nhưng phải cân nhắc tăng phù hợp, đồng bộ với Bộ luật Hình sự để vừa đảm bảo tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và thu nhập bình quân của người dân.

- Về quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương (được quy định tại Khoản 3, Điều 23). Việc quy định như thế này là chưa phù hợp, vì pháp luật xử lý vi phạm hành chính cũng như pháp luật quy định về các lĩnh vực khác đều phải xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và pháp luật là phải mang tính công bằng, bình đẳng và áp dụng chung đối với mọi người.

Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự càng phải tuân thủ nguyên tắc này. Dự thảo Luật chỉ quy định áp dụng ngoại lệ đối với khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị là chưa phù hợp, vì để quản lý và phòng ngừa vi phạm thì không chỉ dựa vào mức xử phạt vi phạm hành chính thật cao, mà cần phải dựa vào những biện pháp, giải pháp mang tính đồng bộ và toàn diện.

Do đó, (như đã nêu ở phần trên), để quản lý và phòng ngừa vi phạm thì không thể cho rằng vì mục đích răn đe, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị ở những khu vực nội thành của các thành phố lớn mà phải quy định mức xử phạt vi phạm hành chính  cao hơn các khu vực, địa phương khác.

* Về tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (được quy định tại Điều 125):

Trong điều kiện thực tế hiện nay, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, cần thiết nên có quy định chặt chẽ việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm nhằm khắc phục thực trạng nhiều tang vật, phương tiện tạm giữ với thời gian quá dài, trong khi công tác bảo quản không đảm bảo, dẫn đến nhiều phương tiện, tang vật tạm giữ bị xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí tài sản của cả người dân và Nhà nước (nhất là trong lĩnh vực giao thông).

Chỉ trong trường hợp thật cần thiết, người có thẩm quyền mới ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính (như ở Điểm a, Điểm b, Điểm c - Khoản 1, điều này); đồng thời, đối với các phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ, nếu tổ chức hoặc cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có khả năng về tài chính để đặt tiền bảo lãnh thì cơ quan có thẩm quyền nên giao cho họ giữ, bảo quản phương tiện giao thông dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.