Thứ Sáu, 22/06/2012, 10:34 (GMT+7)
.

Nhân dân miền Nam - tờ báo có nhiều tư liệu quý về Mỹ Tho

“Nhân dân miền Nam” (NDMN) là cơ quan ngôn luận chính thức của Trung ương Cục miền Nam ra đời năm 1951. Đây là tờ báo được in ấn khá hiện đại lúc bấy giờ, mỗi tháng phát hành 2 kỳ. Số 1 năm thứ nhất, ra ngày 15-4-1951, chủ nhiệm là đồng chí Nguyễn Thượng Vũ, chủ bút Lưu Quý Kỳ.

Cuối năm 1951, đồng chí Trần Bạch Đằng thay Lưu Quý Kỳ làm chủ bút. Số lượng phát hành khá cao: 12.000 số mỗi kỳ. Đây là tờ báo có nhiều thông tin, nay trở thành tư liệu quý cho giới nghiên cứu lịch sử ở địa phương, trong đó có tỉnh Mỹ Tho thời kháng chiến chống Pháp.

Ngay trang đầu số 1, báo đã đưa ra tôn chỉ, mục đích rõ ràng: “Báo NDMN  là cơ quan tuyên truyền kháng chiến kiến quốc của Trung ương Cục miền Nam Đảng Lao động Việt Nam... Báo NDMN không phải là tờ báo riêng của Đảng mà còn là tờ báo chung của nhân dân. Vì vậy Báo Nhân Dân mong muốn đồng bào khắp nơi bày tỏ ý kiến, viết bài và phê bình trên Báo Nhân Dân. Nhờ đó tờ báo đã  góp phần vào việc kết Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng, làm cho Đảng mạnh, dân tiến bộ, nước nhà mau độc lập, thống nhất và tiến lên CNXH”.

Xuyên suốt từ khi ra đời và khi chấm dứt sứ mạng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, NDMN là tờ báo có nhiều tin tức và bài viết liên quan đến tình hình chiến sự, thành tích chiến đấu của quân và dân Mỹ Tho.

Những bài viết này hiện nay trở thành tư liệu quý giá cho những người nghiên cứu lịch sử ở địa phương tham khảo. Ví dụ như trong số ra ngày 5-4-1954 có bài đánh giá phong trào du kích chiến tranh ở Mỹ Tho. Bài báo đi sâu phân tích tình hình ta - địch ở vùng Mỹ Tho, nêu những thành tích trong chiến đấu, những trận đánh tiêu biểu...

Đặc biệt là những bài mang tính chất tổng kết kinh nghiệm như bài “Mấy yếu tố căn bản quyết định thắng lợi của dân - quân vùng du kích và bị tạm chiếm tỉnh Mỹ Tho”.

Mục tin tức chiến sự trên báo khá phong phú. Chúng ta có thể tìm ở đây những mẩu tin ngắn nhưng rất quý giá như “Ngày 7-6, quân ta đánh chìm 1 tàu giặc trên sông Bà Tồn thuộc huyện Cai Lậy. Ta thâu 6 súng trường và tiểu liên. Quân giặc chết trên 1 trung đội (Số ra ngày 30-7-1952 - trang 14).

Hoặc “Đêm 15-8 quân ta pháo kích bót Sao Đôi thuộc huyện Châu Thành, Mỹ Tho. Sáng hôm sau quân ta phục kích đánh viện binh địch, giữa khoảng bót Sao Đôi và bót chánh chùa Phật Đá. 10 giờ sáng, bọn lưu động ngụy binh UMDC từ bót chánh chùa Phật Đá kéo xuống bót Sao Đôi bị lọt ngay ổ phục kích của quân ta. Cả 2 trung đội bị tiêu diệt hoàn toàn. Ta bắt sống 9 tên và thâu 3 trung liên, 1 tomson, 1 tiểu liên và 30 súng trường (Số ra ngày 15-10-1952 - trang 19).

Giữa năm 1954, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở Mỹ Tho phát triển đỉnh điểm. Trong mục Tin tức đấu tranh vùng địch hậu, báo cũng có những bài tường thuật kịp thời như: “Ngày 1 tháng 6 (1954), 600 học sinh và phụ huynh ở thị xã Mỹ Tho biểu tình, đưa bản kiến nghị của học sinh các trường trong thị xã. Bài báo viết: “Trời mưa lạnh, những người biểu tình thản nhiên kéo qua khắp các phố, đồng bào cảm động đem ủng hộ bánh mì, nước uống. Trước khi giải tán, anh em hô to khẩu hiệu: Chống bắt lính; ngưng bắn ở Đông Dương; ủng hộ Hội nghị Giơ-neo; tinh thần đồng bào thị xã lên cao”.

Cuộc biểu tình ngày 5-6-1954 cũng được mô tả khá kỹ: “Trên 3.000 đồng bào đủ các giới ở thị xã Mỹ Tho hưởng ứng cuộc biểu tình trước của học sinh, đã kéo biểu tình, giương biểu ngữ chống bắt lính, đòi trả những người có con bị bắt lính. Đồng bào kéo đi khắp các phố hô khẩu hiệu: - Chống bắt lính; trả lại con của chúng tôi bị bắt lính; ngưng bắn ở Đông Dương; ủng hộ Hội nghị Giơ-neo. Đoàn biểu tình kéo đến Cầu Quay, trong số đó có các ông già chống gậy và trẻ em. Giặc huy động lính đến đàn áp. Chúng đánh đập, bắt chở đầy 2 xe, giam ở khám số 7. Chị Hiếu nhất định kháng cự, chị nhảy xuống đất, giặc cho xe cán chết liền. Đồng bào vô cùng căm phẩn, hô to khẩu hiệu: Đả đảo khủng bố; đả đảo Bảo Đại; ủng hộ Hồ Chí Minh (Số ra ngày 1-8-1954 - trang 15).

Bài báo còn cho biết “Trong tỉnh Mỹ Tho, đêm 16-6, 800 anh em tù chính trị khám số 7 ở thị xã Mỹ Tho đã tổ chức phá khám, tự giải thoát và ra được gần hết”. Đặc biệt số 52, ra ngày 19-12-1953 đăng bài: “Hoan hô tinh thần chiến đấu anh dũng của Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho!” đưa sự kiện Đảng bộ Mỹ Tho nhận bức thư khen ngợi của Trung ương Cục và phần thưởng tượng Lênin mạ vàng trên cẩm thạch trắng, tặng phẩm của Liên Xô mà Trung ương Cục trao tặng cho Mỹ Tho năm 1953. Đây là sự kiện có lẽ ít người biết đến.
Toàn văn bài báo như sau:

“Ngày 17-9-1953, nhân hội nghị, học hội tuyên huấn toàn Nam bộ đông đảo, đồng chí Nguyễn Thượng Vũ, Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, thay mặt Trung ương Cục miền Nam đọc bức thư của Trung ương Cục khen thưởng Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho như sau:

Ngày 19 tháng 8 năm 1953

Trung ương Cục miền Nam thân ái gởi các đồng chí Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho.

Trung ương Cục miền Nam được Phân Liên khu ủy miền Đông báo cáo, trong năm qua (từ tháng 6-1952 đến tháng 6-1953) các đồng chí đã lập được những thành tích sau đây:

1. Duy trì và gầy dựng cơ sở trong vùng địch hậu;

2. Lãnh đạo nhân dân chống các cuộc càn quét thắng lợi;

3. Thu được nhiều thành tích trong công tác địch ngụy vận.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 8 Cách mạng Tháng Tám, Trung ương Cục miền Nam quyết định khen thưởng Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho. Trung ương Cục nhiệt liệt hoan nghinh tinh thần chiến đấu anh dũng phục vụ nhân dân của các đồng chí, tinh thần vì Đảng, vì nhân dân vượt mọi khó khăn gian khổ bám sát nhân dân để chiến đấu.

Với truyền thống anh dũng của Đảng bộ Mỹ Tho từ trước đến nay, Trung ương Cục mong rằng các đồng chí nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết khắc phục mọi khó khăn để giành những thắng lợi vĩ đại trong Thu Đông sắp đến.

Trung ương Cục miền Nam xin trao tặng các đồng chí trong Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho phần thưởng của Trung ương Cục dành cho Tỉnh nào thu được thành tích xuất sắc nhất, là Huy hiệu đồng chí Lê Nin mạ vàng (tặng phẩm của Liên Xô tặng cho Việt Nam).

Thân ái chào tích cực đẩy mạnh công tác địch ngụy vận

TM.TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM

Ký tên: TRUNG NAM

Đồng chí Trung - ủy tỏ lời vui mừng trao tặng phẩm cho đồng chí Đ. Tỉnh ủy viên, đại diện Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho. Đồng chí Trung - ủy vui cười tiếp: “...Tôi tưởng cũng nên nói thêm rằng huy hiệu nầy là một danh dự mà Liên Xô tặng cho Việt Nam. Nó đã được đại biểu Việt Nam đem đi trên xe lửa chín ngày đêm từ Mạc - Tư - Khoa về đến Bắc Kinh, bảy ngày đêm nữa về đến biên giới Hoa - Việt và một năm từ Việt Bắc vào Nam bộ xuyên qua bao núi rừng và đồn bót giặc! Bây giờ Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho có cái vinh dự nhận lấy nó để làm gương chung cho toàn Đảng bộ miền Nam (tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt).

Đồng chí đại diện Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho vô cùng cảm kích, giọng run run, nước mắt lưng tròng đáp: “Thưa đồng chí Trung ủy và các đồng chí. Đây là phần thưởng quí báu, xứng đáng với chí chiến đấu, lòng hy sinh anh dũng của nửa triệu đồng bào Mỹ Tho, của mười hai ngàn đồng chí, cán bộ các cấp đã vì nhân dân mà gan góc chiến đấu và đã hy sinh trên một ngàn đồng chí ưu tú trong một năm (có nhiều đồng chí khóc). Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho nguyện sẽ cố gắng xứng đáng với vinh dự lớn lao nầy” (tiếng vỗ tay kéo dài).

P.V

Mặc dù tòa soạn ở tận căn cứ U Minh Thượng, Bạc Liêu, nhưng những bài báo liên quan đến nhiều địa phương, chứng tỏ NDMN bấy giờ có một đội ngũ phóng viên và cộng tác viên không hề nhỏ. Cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi, NDMN chấm dứt sứ mạng chính trị của mình, nhưng những bài báo vẫn còn nguyên giá trị.

NGUYỄN NGỌC PHAN

.
.
.