Thứ Ba, 31/07/2012, 08:00 (GMT+7)
.

Sống chết vì đồng đội, vì nhân dân

 Vốn là một thợ may rất giỏi, chàng trai trẻ Lê Văn Nghề (Năm Lăng) sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1963, khi mới 17 tuổi anh đã rời quê nhà (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) lên Sài Gòn hoạt động cách mạng. Tại đây, với vỏ bọc là thợ may của tiệm may Tiến Đạt Phương (trên đường Trần Quốc Thảo bây giờ), anh trở thành một cơ sở của Đội Võ trang tuyên truyền thuộc Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định.

Trong thời gian hoạt động nội thành, anh đã lập nên nhiều chiến công vang dội, làm rung động chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ.

Thuộc thành phần công nhân trong Đội Võ trang tuyên truyền, đồng chí Lê Văn Nghề được giao phụ trách xây dựng cơ sở trong giới học sinh để tuyên truyền, nhất là trong các trường trung học. Đồng chí đã tham gia nhiều trận đánh diệt ác ôn và tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phô trương thanh thế cách mạng ngay giữa trung tâm Sài Gòn.

Có thể nói, đồng chí Lê Văn Nghề là một trong những người “phát quang, dọn đường” để học sinh - sinh viên Sài Gòn giác ngộ cách mạng, tạo tiền đề cho những cuộc đấu tranh, xuống đường rực lửa chống Mỹ - ngụy. Cũng từ đây, đồng chí đã giới thiệu và xây dựng nhiều cá nhân xuất sắc cho tổ chức.

Những trận đánh của đồng chí Lê Văn Nghề được thực hiện trong điều kiện vũ khí và phương tiện hỗ trợ hết sức khó khăn. Chỉ có súng Cold 45, di chuyển bằng xe đạp và thậm chí có lúc không có sự yểm trợ của đồng đội.

Điều đặc biệt là, những trận đánh của đồng chí  đều diễn ra công khai giữa nội đô Sài Gòn, ngay trước mắt quân thù. Đây chính là điểm mấu chốt khiến các trận đánh gây được tiếng vang lớn, nâng cao thanh thế của cách mạng, góp phần thúc đẩy phong trào học sinh - sinh viên và quần chúng ở Sài Gòn ủng hộ cách mạng.

Nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của đồng chí Lê Văn Nghề là gầy dựng cơ sở cho phong trào đấu tranh trong học sinh. Đồng chí Lê Thanh Hải (Hai Nhựt), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi là một trong số những người được anh Năm Lăng dìu dắt. Thời điểm đó là năm 1966, tôi là công nhân hàn, đã được anh giác ngộ cách mạng, dìu dắt, đào tạo và cùng tham gia nhiều trận đánh với anh.

Không chỉ dìu dắt về công tác cách mạng, anh Năm còn chăm chút tôi từng điều rất nhỏ. Mỗi chiều sau giờ làm, anh thường vào Công viên Trần Quý Cáp (nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh) tập tôi chạy xe đạp, giúp tôi hòa nhập vào cuộc sống thành phố thật tốt, tạo vỏ bọc tốt để thực hiện nhiệm vụ anh giao. Khí chất anh hùng và sự tận tụy của anh Năm là tấm gương sáng cho tôi tiếp bước trên con đường cách mạng…”.

Với nhiệm vụ diệt ác, phá kiềm, trong giai đoạn từ năm 1964 đến 1968, đồng chí Lê Văn Nghề đã trực tiếp thực hiện 4 trận đánh, diệt nhiều tên mật vụ, ác ôn - những kẻ đã chỉ điểm, phá hoại phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên.

Những tên ác ôn bị đồng chí Lê Văn Nghề trực tiếp tiêu diệt gồm có: Lưu Thanh Niên và Nguyễn Phúc Vĩnh Lợi, đều thuộc Quốc Dân Đảng, là những tên mật vụ, công an chìm đội lốt giám thị, giáo sư. Với vỏ bọc này, bọn chúng đã đầu độc học sinh - sinh viên những luận điệu chống cộng, diệt cộng; đồng thời theo dõi những học sinh có cảm tình với cách mạng báo cho chính quyền Sài Gòn.

Ngoài ra, đồng chí Lê Văn Nghề còn tiêu diệt thêm một số tên cán bộ “xây dựng nông thôn” chuyên vẽ biển hiệu chống cộng tại khắp các lề phố, bức tường ở Sài Gòn. Những trận đánh này không chỉ làm các tên ác ôn, đàn áp phong trào học sinh - sinh viên khác hoảng loạn, mà còn tiếp thêm động lực rất lớn cho học sinh - sinh viên đứng lên đấu tranh chống chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn Tân Định, cùng với các đồng chí của mình, đồng chí Lê Văn Nghề đã thực hiện những cuộc tuyên truyền tại rất nhiều trường trung học tư thục như: Tân Thạnh, Việt Nam Học Đường, Huỳnh Khương Ninh, Huỳnh Thị Ngà, Văn Hiến... Điển hình là trận võ trang tuyên truyền ở Trường Huỳnh Khương Ninh.

Trong một quãng thời gian dài, bằng phương thức vào trực tiếp các trường trong giờ dạy học, đồng chí Lê Văn Nghề và đồng đội đã bình tĩnh, mưu trí thực hiện những cuộc tuyên truyền, vận động học sinh ủng hộ, tham gia cách mạng, thậm chí bày cả phương pháp tháo lắp súng ngay tại lớp học cho học sinh mà địch không kịp trở tay.

Không chỉ tại trường học, đồng chí Lê Văn Nghề còn tham gia tuyên truyền tại nhiều khu dân cư giữa nội thành. Tiêu biểu là đã bất ngờ tổ chức cuộc tuyên truyền về cách mạng ở khu vực Cống Bà Xếp (khu vực đường Nguyễn Thông ngày nay) và đã bắt được 2 tên cảnh sát ngụy khi chúng có mặt ở đây.

Những lần tuyên truyền công khai đó đã làm cho hình ảnh cách mạng đi sâu vào lòng học sinh - sinh viên Sài Gòn. Từ chỗ còn hồ nghi luận điệu xuyên tạc của địch, học sinh  - sinh viên Sài Gòn đã đặt niềm tin lớn vào cách mạng, từ đó nhiều học sinh - sinh viên  đã theo cách mạng, bổ sung một lực lượng đáng kể vào cuộc đấu tranh của dân tộc.

Cùng với những cuộc ám sát các tên ác ôn, những đợt tuyên truyền đã làm cho địch cay cú nhưng rất hoang mang và không kiểm soát nổi tinh thần đấu tranh của phong trào học sinh - sinh viên  nói riêng và người dân Sài Gòn nói chung.

Vai trò “dọn đường, phát quang” diệt ác, phá kiềm ở Sài Gòn giai đoạn 1963 - 1968 của đồng chí Lê Văn Nghề là cực kỳ to lớn. Với những năm tháng hoạt động này, đồng chí đã mưu trí, dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gầy dựng cơ sở cách mạng, phô trương thanh thế cách mạng và làm địch lung lạc tinh thần…, là tiền đề để phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn lớn mạnh, góp công sức vào cuộc đấu tranh chống Mỹ - ngụy của cả dân tộc.

Tháng 5-1968, trong đợt tiến công Xuân Mậu Thân lần thứ 2, đồng chí Lê Văn Nghề đã anh dũng hy sinh khi bị địch bao vây. Trận đánh đó đồng chí đã cùng với người chỉ huy Nguyễn Sơn Hà xông ra dùng hỏa lực cản lực lượng của địch để 2 đồng chí Mười Thu (Nguyễn Thị Cúc) và Tư Yển (Võ Anh Khanh) rút lui an toàn.

Đồng chí Lê Văn Nghề đã chọn cách sống vì đồng đội, vì nhân dân và chọn cái chết vì lý tưởng cộng sản, vì sự sống của đồng đội. Quá trình chiến đấu, hy sinh của đồng chí Lê Văn Nghề không chỉ tạo dựng thành quả to lớn cho phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Sài Gòn, mà còn tạo dựng được hình ảnh, là tấm gương sáng ngời để học sinh, sinh viên, thanh niên noi theo.

THỦY HÀ (tổng hợp)

.
.
.