Hội thảo khoa học về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn”.
Đến dự có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và Văn phòng Trung ương Đảng; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các ban, ngành Trung ương…
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Đây là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và sự cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân…
Hội thảo đã thu hút 60 báo cáo khoa học của các tác giả Trung ương và địa phương. Các tham luận tập trung làm rõ các nội dung: Tấm gương tiêu biểu tự học tập, giác ngộ chủ nghĩa cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với sự chỉ đạo thay đổi chiến lược cách mạng; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta…
Các tham luận với nhiều góc độ khác nhau, bằng những lý giải khoa học đã làm rõ các nhân tố tác động đến sự hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với cách mạng giải phóng dân tộc và công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Kết luận hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trên cơ sở phân tích và minh chứng từ thực tiễn lịch sử, hội thảo đã khẳng định tinh thần “Tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ không chỉ thể hiện trí tuệ của một lãnh tụ tài năng, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, mà với tính chiến đấu cao, những quan điểm đúng đắn, sâu sắc về tự phê bình và phê bình, đã góp phần quan trọng vào việc uốn nắn những sai lầm trong Đảng; tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, chuẩn bị toàn diện cho Đảng ta lãnh đạo thắng lợi cách mạng nước ta ở giai đoạn tiếp theo.
Bài học về tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tinh thần “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc.
(Theo baobacninh.com.vn)