Thứ Ba, 10/07/2012, 09:48 (GMT+7)
.

Kết luận Hội nghị lần thứ 12 - BCH Đảng bộ tỉnh (khóa IX)

Ngày 6-7-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị lần thứ 12 - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) mở rộng để sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012.

Sau khi thông qua các dự thảo văn bản tại hội nghị và tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng chí Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu kết luận, chỉ đạo hội nghị với các nội dung chính như sau:

1/- Trong bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế, tỉnh vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng, ổn định sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh - quốc phòng.

Công tác xây dựng Đảng được thực hiện đồng bộ với triển khai các nghị quyết của Trung ương, củng cố hệ thống chính trị và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều nhân tố bất lợi:  

- Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu thấp hơn 6 tháng đầu năm 2011 như: Tốc độ tăng trưởng chỉ mới đạt 9,3%, giá trị tăng thêm của các ngành, lĩnh vực đều thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra.

Công nghiệp của tỉnh chưa trở thành đòn bẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao; thương mại - dịch vụ chưa thể hiện quy mô cấp vùng; nông nghiệp chưa hình thành được các vùng chuyên canh cây ăn trái với quy trình sản xuất lớn, công nghệ cao và thị trường tiêu thụ bền vững. Thu ngân sách đạt 47,18% dự toán năm, trong đó 5 nguồn thu chủ yếu chỉ đạt dưới 40%.

Thực trạng trên do tác động dây chuyền của một chuỗi nguyên nhân nội tại, ngoài những nguyên nhân chung trên phạm vi toàn cầu, lãi suất ngân hàng cao, giảm đầu tư công và chi tiêu ngân sách Nhà nước; thị trường tiêu thụ thu hẹp; giá cả vật tư, nguyên liệu và nông sản bấp bênh; không kể tình hình cơ cấu đầu tư dàn trải, kém hiệu quả và cơ chế thu - chi tài chính bất cập,... dẫn đến giảm phát đồng bộ.

Đến nay, đã có 79 doanh nghiệp giải thể, 10 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; dù chưa biểu hiện thể trạng hoạt động sản xuất - kinh doanh của tỉnh, nhưng bước đầu đã bộc lộ hệ lụy của nền kinh tế phát triển thiếu bền vững.

- Tình hình chính trị - xã hội của tỉnh nổi lên nhiều vấn đề rất đáng quan ngại như: Một số tài liệu bị phát tán hoặc đăng tải trên các website, biểu hiện quan điểm trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước; việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn khá chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư, trong đó có khu dân cư nông thôn bị ô nhiễm từ những trại chăn nuôi lớn và thực trạng thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm gia tăng.

Các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài lâu nay có giảm 40% (857/1945 người) nhưng chưa phải đã giải quyết căn cơ vấn đề, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế, nhất là trong quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công. Các vụ tồn tại nổi cộm vẫn chưa được giải quyết.

Tội phạm về trật tự xã hội và tai nạn giao thông có giảm nhưng các tệ nạn, băng nhóm tội phạm, mua bán ma túy và đua xe gây mất trật tự trên các tuyến đường trung tâm tạo sự bất ổn trong đời sống nhân dân. Các vụ đình công, ngừng việc tập thể xảy ra với mức độ ngày càng phức tạp, trong 6 tháng đầu năm 2012 có đến 14 vụ với 25.800 lao động, với lý do chủ yếu là vấn đề tiền lương công nhân.

Các vấn nạn này chủ yếu do khách quan, nhưng bên trong đó có nguyên nhân do khâu tổ chức phối hợp chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, chậm triển khai quy hoạch các ngành và các đề án cụ thể theo mục tiêu đã đề ra.

Vì thế, trách nhiệm lớn nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy là phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tích cực đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ để đảm bảo thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết đã ban hành.

2/- Trên cơ sở thống nhất phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra, để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết về nhiệm vụ chính trị năm 2012, cần lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, các cấp, các ngành, địa phương cần rà soát lại từng chỉ tiêu chủ yếu đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2012; tập trung phân tích, dự báo đúng tình hình để có giải pháp tốt nhất cho việc thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; tiếp tục nâng cao vai trò giám sát, quản lý, điều hành của HĐND, UBND các cấp nhằm đảm bảo cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2012, vừa tạo nền tảng vững chắc để góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết cả nhiệm kỳ 2010 - 2015. Muốn vậy, trước mắt cần chủ động thực hiện tốt các giải pháp:

- Tổ chức xây dựng quy hoạch và triển khai xây dựng 3 vùng kinh tế với các đề án cụ thể gồm: Vùng kinh tế biển, các khu công nghiệp, cảng đô thị phía đông; các khu thương mại - dịch vụ vùng trung tâm; các khu công nghiệp chế biến, nông nghiệp kỹ thuật cao, trung tâm lúa gạo, trái cây vùng phía tây của tỉnh.

Tiếp tục lãnh đạo thực hiện những dự án quan trọng đã được xác định như: Quảng trường trung tâm, Trung tâm Hành chính tỉnh, nâng cấp đô thị Mỹ Tho, Tổ hợp dịch vụ du lịch Mỹ Tho, các khu dân cư, thương mại - dịch vụ Mỹ Tho, Trung tâm lúa gạo và trái cây vùng Cai Lậy, Cái Bè; các khu, cụm công nghiệp, sân golf, nhà vườn; các công trình hạ tầng...

- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ; thực hiện nghiêm túc chính sách tiền tệ, lãi suất huy động, lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư, thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển gắn với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, các công trình trọng điểm, dự án ODA; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2012, chú ý tạo quỹ đất phục vụ đầu tư.

- Tăng cường công tác quản lý vốn Nhà nước, tài sản công, tài nguyên và tăng cường quản lý giá cả hàng hóa, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho các đối tượng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo.

- Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề tồn đọng đối với 4 dự án lớn của tỉnh (Khu công nghiệp Tân Hương, Khu công nghiệp Long Giang, Dự án BOO nước Đồng Tâm và Dự án cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang).

- Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lưu ý các kiến nghị của HĐND tỉnh về các giải pháp điều chỉnh công tác quy hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp giải quyết kịp thời vấn đề ô nhiễm môi trường; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt của công dân, các vụ đình công, lãn công của công nhân và các vấn đề xã hội bức xúc, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, cố gắng tiếp tục giảm tai nạn giao thông, giảm tội phạm và các tệ nạn xã hội.

- Tăng cường công tác quốc phòng gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thứ hai, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả:
- Các nội dung văn bản đã triển khai như: Chương trình hành động 12-CTr/TU ngày 5-1-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách Nhà nước 5 năm 2011 - 2015 và năm 2012; Chương trình hành động 19-CTr/TU ngày 16-4-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết của của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

- Tăng cường chỉ đạo hoạt động các lĩnh vực văn hóa - xã hội như: Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và theo yêu cầu xã hội để phục vụ có hiệu quả quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh; kiện toàn chất lượng khám, chữa bệnh; tổ chức tuyên tuyền, hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống các loại dịch bệnh dễ lây lan trong cộng đồng.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá”; tăng cường đầu tư cho các giải pháp thoát nghèo bền vững và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng.  

- Đảm bảo các hoạt động quốc phòng - an ninh; hoạt động phối hợp giữa lực lượng công an, quân sự, bộ đội biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; các giải pháp kiềm chế tai nạn, ùn tắc giao thông và phòng, chống cháy, nổ, nhất là trong các dịp lễ, kỷ niệm lớn trong năm... được triển khai thực hiện tốt.

Thứ ba, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các nội dung chương trình công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 như:

- Sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng gồm: Triển khai, thực hiện các nội dung nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4, 5 (khóa XI); tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.

Sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 57-QĐ/TW Bộ Chính trị, Hướng dẫn 11- HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” gắn với sơ kết việc thực hiện Quyết định 410-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ.

Sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động 14-CTr/TU ngày 16-10-2007 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 30-7-2007 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động 15-CTr/TU ngày 16-10-2007 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 30-7-2007 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động 16-CTr/TU ngày 16-10-2007 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 01-8-2007 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động 17-CTr/TU ngày 16-10-2007 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TW ngày 1-8-2007 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước.

Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX); Thông báo Kết luận 122-TB/TW của Ban Bí thư ngày 20-12-2007 về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”; sơ kết quý III, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2012, xây dựng và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2013.

- Xây dựng và ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp trong tình hình mới.

- Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và Công đoàn các cấp theo kế hoạch; thực hiện tốt công tác cán bộ gắn với tăng cường công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực theo Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy và cán bộ lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị.

- Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành của HĐND, UBND các cấp nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra; tập trung huy động vốn đầu tư, khai thác các nguồn thu từ quỹ đất công, vay vốn ưu đãi,... phục vụ yêu cầu phát triển và đảm bảo sử dụng có hiệu quả.

3/- Về việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương:

- Tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo hướng tập trung hình thành thế tam giác động lực phát triển cho vùng duyên hải Tiền Giang, bao gồm: bảo vệ vùng đất, vùng biển và vùng trời Tổ quốc thông qua hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển đảm bảo cho khu vực phòng thủ thực hiện yêu cầu tác chiến và hoạt động biên phòng hiệu quả.

Tập trung phát triển kinh tế biển gắn với các công trình kinh tế - xã hội nối liền các vùng duyên hải, các cơ sở sản xuất công nghiệp, hậu cần công nghiệp, các khu vực sản xuất nông nghiệp kết hợp với tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho các khu đô thị, dân cư, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; phòng, chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng thông qua hệ thống đê biển kết hợp với giao thông ven biển, các công trình khai thông dòng chảy, mở rộng diện tích rừng phòng hộ và bảo vệ đa dạng sinh học.

Chiến lược biển được thực hiện trong mối quan hệ hợp tác quốc tế và phải được thể hiện bằng những đề án cụ thể, có phân công hợp tác quốc tế - Việt Nam, Trung ương - tỉnh, các ngành và địa phương thuộc tỉnh, các dự toán kinh phí và thời gian giải quyết thật chi tiết.

Tiền Giang đã triển khai nhiều chương trình nằm trong Chiến lược biển như: Các dự án quy hoạch sử dụng đất, các đề án nghiên cứu biến đổi khí hậu, đê biển kết hợp giao thông giai đoạn 1, hệ thống kinh Xuân Hòa - Cầu Ngang, kinh 14 đảm bảo vùng sản xuất lúa 30.000 ha; các công trình trú bão, giao đất xây dựng các khu công nghiệp dầu khí… và các cơ sở biên phòng bảo vệ vùng biên giới quốc gia.

Các dự án này chỉ mới là khởi sự bước đầu của chương trình dài hạn về Chiến lược biển nên Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần tích cực rà soát, điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với địa lý kinh tế biển khu vực Gò Công với quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, với khả năng tổ chức triển khai và xúc tiến đầu tư của tỉnh.

- Tập trung triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 với 3 trọng tâm: Phải xác định được hướng đi trước mắt và lâu dài cho phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống các trường năng khiếu, các cơ sở trường học và hoàn thiện cơ sở vật chất thể dục - thể thao ở các cấp; tăng cường xây dựng nguồn nhân lực cho hoạt động thể dục - thể thao, bao gồm các huấn luyện viên, vận động viên, kinh phí đào tạo và chính sách đãi ngộ.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần cụ thể Chương trình hành động bằng những đề án thiết thực, có lộ trình và kết quả cụ thể.

- Cần xem Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là đòn bẩy thúc đẩy hệ thống doanh nghiệp của tỉnh phát triển, trong đó mỗi doanh nghiệp đều góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Tiền Giang đã phát triển nhanh đội ngũ doanh nhân với 4.700 công ty, cơ sở sản xuất, hoạt động đa lĩnh vực với tổng vốn đầu tư 28.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 78.000 lao động; nhưng đa số doanh nghiệp trong tỉnh đều có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ chậm đổi mới, trình độ quản trị và hợp tác chưa cao nên rất dễ rơi vào tình trạng khó khăn về vốn đầu tư và thị trường đầu ra. Do đó, các cấp ủy, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tập trung xây dựng các đề án thuộc 3 nhóm nội dung:

+ Tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bao gồm quy trình thủ tục hành chính, quỹ đất, giá đất, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, các chính sách khuyến khích đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng.

+ Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản trị và lao động sản xuất; sớm điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề thuộc ngành Lao động - Thương binh & Xã hội, Giáo dục - Đào tạo, các đoàn thể và địa phương; nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo và tăng cường công tác dự báo lao động cho tất cả các ngành kinh tế kỹ thuật.

+ Hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, quảng bá thâm nhập thị trường, đổi mới công nghệ và phương thức quản lý; trong đó lưu ý nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp và Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại.

4/- Sau hội nghị này, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức tốt hội nghị sơ kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012 sát thực tế với quyết tâm chính trị cao nhằm góp phần hoàn thành các nội dung công việc đã thống nhất.

.
.
.