Thứ Năm, 05/07/2012, 07:36 (GMT+7)
.

Thấm nhuần lời dạy của Bác về tự phê bình và phê bình

Cách đây 65 năm, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Đảng không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ, đảng viên”. “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(1).

Bác Hồ còn nhấn mạnh: “Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ thì uy tín chẳng những không giảm bớt mà lại thêm cao”(2).

Trước lúc “đi xa”, trong bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác còn nhắc nhở và thiết tha căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình, phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng”(3).

Có thể nói, là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Bác Hồ luôn coi trọng và thường xuyên quan tâm tới nội dung tự phê bình và phê bình trong Đảng. Bởi như Bác nói: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra”. Ở nước ta, “đảng viên phần nhiều là những người tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa…” và “Đảng ta rất tiên tiến, rất vẻ vang, nhưng nội bộ vẫn còn những sai lầm và khuyết điểm”*…

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Ban chấp hành TƯ. Người nói về vấn đề mở rộng tự phê bình và phê bình để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng (Hà Nội ngày 12 - 3 - 1955).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Ban chấp hành TƯ. Người nói về vấn đề mở rộng tự phê bình và phê bình để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng (Hà Nội, ngày 12-3-1955). Ảnh: tienphong.vn

Để sửa chữa những căn bệnh đó, để cho Đảng ngày càng tiến bộ, xứng đáng là người lãnh đạo, đội tiên phong của giai cấp, của cả dân tộc, được nhân dân tin yêu, đi theo và ủng hộ, đòi hỏi mỗi tổ chức của Đảng cũng như mỗi đảng viên phải gương mẫu, “thường xuyên tự xét và xét đồng chí mình. Ai có khuyết điểm thì phải tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau”.

Bác Hồ nói: “Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”. Bác Hồ nhiều lần chỉ ra rằng: Việc tự phê bình và phê bình “phải làm từ trên xuống và từ dưới lên”. “Cấp trên phê bình chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình chưa đủ, phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa”. Phê bình mình cũng như phê bình người, phải làm ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm.

“Có lỗi mà không vạch ra, không khác gì người có bệnh mà không chịu khai ra với thầy thuốc”. “Không thực hành tự phê bình thì không xứng đáng là người cách mạng”. Người phê phán những nhận thức không đúng về phê bình và tự phê bình như: Chỉ làm qua loa, che giấu khuyết điểm, sợ công khai phê bình... “Đè nén phê bình hoặc phớt lờ phê bình cũng là tội lỗi”(4). Người căn dặn: “Phê bình và tự phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Không phê bình tức là tước bỏ mất một quyền dân chủ của mình”.

Phát biểu trong phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 11-1950, Bác Hồ căn dặn: “Tất cả chúng ta phụ trách trước nhân dân. Trong anh em phải có phê bình và tự phê bình… Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo phê bình và tự phê bình”(5).

Trong buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng - Dân - Chính các cơ quan Trung ương ngày 9-6-1953, Người còn nêu cụ thể và nhấn mạnh: “Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện dân chủ phê bình và tự phê bình. Các cán bộ bất kỳ cấp nào, cao hay thấp có quyền và có nghĩa vụ đòi hỏi thực hiện dân chủ. Chi bộ và Công đoàn phải phụ trách tổ chức, hướng dẫn học tập, thực hiện dân chủ phê bình và tự phê bình, giúp đỡ cho mọi người tiến bộ” (6). Bác khẳng định: “Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”(7).

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI ra Nghị quyết: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó xác định:

Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Ba vấn đề cấp bách được nêu trên có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Để thực hiện có kết quả một số vấn đề cấp bách nêu trên, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên được xác định là giải pháp đầu tiên. Nói như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đây là vấn đề rất quan trọng, hệ trọng, là khâu mở đầu mấu chốt.

Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI nêu cụ thể về: Nội dung kiểm điểm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên khi tiến hành tự phê bình và phê bình; đối tượng kiểm điểm và nơi kiểm điểm; phương châm và phương pháp tiến hành kiểm điểm, trong đó yêu cầu phải tự giác xem xét, nhìn lại mình, đánh giá đúng sự thật những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi.

Đồng thời, tổ chức kiểm điểm phải thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng.

Với quyết tâm chính trị của Đảng, được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng thực hiện và với các mục tiêu, phương châm, giải pháp đúng đắn, phù hợp, chúng ta tin tưởng rằng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI sẽ tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.                                             

TS. NGUYỄN XUÂN THÔNG
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư ký, Tạp chí Cộng sản)

(1), (2), (4), (5), (6), (7): Hồ Chí Minh - Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. NXB Chính trị Quốc gia - năm 2000, các trang 242, 246, 254, 247, 255, 245.
(3). Bảo tàng Hồ Chí Minh:  Hồ Chí Minh -  
Những sự kiện.  NXB Thông tin lý luận - năm 1990, tr.264.
*: Những câu trong ngoặc kép là trích câu nói của Bác Hồ.

.
.
.