Thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có tầm quan trọng đặc biệt để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, trong đó chi bộ cơ sở là hạt nhân cơ bản.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 21) đã ghi: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đòi hỏi các tổ chức cơ sở đảng càng phải đề cao trách nhiệm, làm tròn 5 nhiệm vụ quy định trong Điều lệ Đảng và phải đánh giá đúng thực trạng của chi bộ, thấy được mặt mạnh, mặt yếu trong công tác lãnh đạo của chi bộ, xác định được những ưu điểm, khuyết điểm của từng đảng viên, tuyệt đối không được chung chung.
Một buổi sinh hoạt chi bộ. Ảnh: dangcongsan.vn |
Trong sinh hoạt của chi bộ, cần lấy nội dung của Quy định 47 ngày 1-11-2011 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm để kiểm điểm đảng viên.
Những câu hỏi đặt ra đối với đảng viên cần được trả lời thật cụ thể trước chi bộ như: Đạo đức và lối sống ra sao? Có thực sự gắn bó với quần chúng không? Đã gương mẫu trong mọi công tác chưa? Việc chấp hành Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm và pháp luật của Nhà nước ra sao? Nói và làm có theo đúng chỉ thị, nghị quyết của Đảng không? Có đặc quyền, đặc lợi không? Có tham nhũng, đưa, nhận, môi giới hối lộ không? Có làm ô dù, bao che cho bọn tham nhũng, buôn lậu không? Với đồng lương còn khiêm tốn, từ nguồn thu nhập nào mà xây được nhà cao cửa rộng với những tiện nghị sang trọng, đắt tiền, có con đi du học tự túc ở nước ngoài? Việc kê khai tài sản, thu nhập đã đúng với quy định chưa? Có giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng? Có nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch?...
Đảng viên phải chịu sự lãnh đạo, quản lý, kiểm tra của chi ủy, chi bộ và phải tự phê bình thành khẩn trước chi bộ. Mọi đảng viên từ đảng viên bình thường đến cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương đều bình đẳng trước chi bộ, nhất thiết không để đảng viên nào với danh nghĩa cá nhân đứng trên chi bộ.
Các đảng viên giữ chức vụ càng cao phải được lãnh đạo, quản lý, kiểm tra chặt chẽ của chi bộ, bởi lẽ những đảng viên đó nếu phát huy được vai trò của mình sẽ có ảnh hưởng đến một phạm vị rộng lớn. Ngược lại, những sai lầm của họ tất yếu tác động đến toàn cục.
Việc đấu tranh chống “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” và các khuynh hướng lệch lạc khác đều phải được tiến hành kiểm điểm nghiêm túc ở chi bộ.
Tiếng nói của đảng viên ở chi bộ có một sức mạnh rất to lớn. Vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong chi bộ là cực kỳ quan trọng. Chi bộ nào buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý, kiểm tra đảng viên thì chi bộ đó không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Sinh hoạt của chi bộ là một chế độ đã được quy định trong Điều lệ Đảng, là một trong những hoạt động thường xuyên của Đảng. Từ tình hình hiện nay, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, bảo đảm cho sinh hoạt chi bộ đạt được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở các chi bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Trước mắt, cần tập trung vào một số công việc sau đây:
Một là, phải củng cố nhân sự của chi ủy, vì chi ủy có vai trò rất lớn đối với chất lượng hoạt động của chi bộ. Chi ủy, nhất là bí thư chi bộ cần được chọn lọc từ những đảng viên không những có đạo đức, năng lực, bản lĩnh, nhiệt tình với công tác xây dựng Đảng, mà còn có khả năng tập hợp được cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương.
Để tránh sự vị nể, việc lựa chọn chi ủy nên tiến hành theo hai bước bằng phiếu kín: Bước 1: Bỏ phiếu kín giới thiệu đảng viên ra ứng cử vào chi ủy và bước 2: Bỏ phiếu kín bầu chọn chi ủy chính thức. Mặt khác, có kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ kế cận; chăm lo tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chú trọng nâng cao năng lực cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng cho đội ngũ bí thư và chi ủy viên.
Hai là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các chi bộ duy trì tốt chế độ sinh hoạt, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt cho phù hợp với thực tiễn. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải thiết thực, cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, chi bộ tiến hành đánh giá kết quả công tác trong tháng và bàn bạc, đề ra chương trình công tác của tháng sau. Ngoài sinh hoạt theo định kỳ, chi bộ còn có những buổi sinh hoạt bất thường để bàn những nội dung theo từng chuyên đề như: công tác phát triển Đảng; tự phê bình và phê bình; kỷ luật đảng viên...
Để bảo đảm chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi ủy hoặc bí thư chi bộ cần chọn đúng những vấn đề mà chi bộ cần bàn bạc, quyết định trong tháng đó, thời điểm đó; đồng thời phải thông báo cho tất cả đảng viên trong chi bộ biết trước nội dung sinh hoạt để họ suy nghĩ, chuẩn bị ý kiến có chất lượng phát biểu trong buổi họp chi bộ.
Ba là, thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, thực sự phát huy dân chủ, thực hành nghiêm túc tự phê bình và phê bình, tập trung vào những điều đảng viên không được làm và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Chi ủy lắng nghe ý kiến chính đáng của đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên giám sát hoạt động của chi bộ, chi ủy.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với đảng viên. Mỗi chi ủy phải có chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của Đảng và đảng viên tham gia kiểm tra, giám sát chi ủy. Thông qua đó, phát hiện dấu hiệu vi phạm, biểu hiện tiêu cực của đảng viên, giúp đảng viên khắc phục, sửa chữa.
Năm là, tổ chức tốt các buổi sinh hoạt để quần chúng góp ý kiến phê bình chi bộ, phê bình đảng viên. Phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia xây dựng Đảng, qua đó chi bộ chẳng những nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà còn có điều kiện hiểu rõ hơn tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương và có những thông tin chính xác hơn về tư tưởng đạo đức, lối sống của đảng viên trong chi bộ để đi đến những quyết định phù hợp với ý Đảng, lòng dân.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, bởi vì sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng cao sẽ góp phần làm cho chi bộ mạnh.
Chi bộ mạnh thì sẽ có nhiều đảng viên tốt. Có nhiều chi bộ mạnh, nhiều đảng viên tốt thì vị trí, vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày càng được nâng cao để làm tròn sứ mệnh lịch sử cao cả của một Đảng cầm quyền.
NGUYỄN XUYẾN