Cần nghiên cứu, đổi mới công tác cán bộ
Ngày 20-8, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương được ủy quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Kết luận 24-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng |
Chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 xác định 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Trọng tâm, xuyên suốt cả 3 vấn đề cấp bách và cũng là đối tượng tác động của nghị quyết chính là cán bộ (CB), đảng viên, trước hết là CB lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.
Chính vì vậy, bên cạnh các nhóm giải pháp thực hiện nghị quyết về giáo dục chính trị, tư tưởng, về tự phê bình và phê bình… là một khối lượng lớn nhiệm vụ thuộc về công tác tổ chức CB.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đánh giá công tác này vẫn còn hạn chế, tồn tại. Đội ngũ CB cấp Trung ương - cấp chiến lược quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản.
Tình hình đó đòi hỏi công tác xây dựng Đảng, trước hết là công tác CB cần phải được nghiên cứu, đổi mới. Kết quả thực tế cho thấy, nhiều CB được luân chuyển qua 2 nhiệm kỳ vừa qua đã có bước trưởng thành từ thực tế của địa phương. Tổng Bí thư khẳng định, không phải CB nào qua luân chuyển cũng bổ nhiệm mà tùy thuộc vào kết quả hoạt động của CB qua luân chuyển thế nào thì mới bổ nhiệm.
Góp ý cụ thể vào các giải pháp thực hiện những chủ trương, định hướng về công tác CB, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Đây là những vấn đề mới, chẳng hạn nội dung đánh giá, chấm điểm CB; lấy ý kiến tín nhiệm CB… nên cần thảo luận kỹ lưỡng và thận trọng. Tổng Bí thư yêu cầu cần quán triệt quan điểm giai cấp trong công tác CB, trên cơ sở đó có chính sách tập hợp rộng rãi CB, trọng dụng nhân tài của đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế.
Công tác CB phải tiến hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhưng phải đặt trong mối quan hệ giữa tập thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong quá trình thực hiện phải có sự phân cấp, phân công chặt chẽ giữa các cơ quan. Đồng thời, phân công, phân cấp phải có giám sát, kiểm tra chặt chẽ công tác CB, qua đó cũng phải bảo vệ CB.
Tổng Bí thư lưu ý: Cần hết sức chú ý về phương pháp tư tưởng, vấn đề nhận thức, quan điểm; những vấn đề có tính nguyên tắc về CB và công tác CB, trước hết là những vấn đề cơ bản; những quan điểm giữa đường lối chính trị và đường lối CB; giữa đức và tài; giữa kế thừa và phát triển; giữa sự quản lý thống nhất của Đảng với phát huy trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị; giữa thẩm quyền cá nhân và trách nhiệm tập thể; giữa phân cấp phân quyền và kiểm tra giám sát, đồng thời phải xuất phát từ thực tiễn địa phương, đơn vị…
Tránh cả hai khuynh hướng: xa rời nguyên tắc, lơi lỏng lãnh đạo, hạ thấp tiêu chuẩn CB và khuynh hướng bảo thủ hẹp hòi, không chịu đổi mới.
(Theo SGGP)