Thứ Sáu, 03/08/2012, 13:50 (GMT+7)
.

Người làm báo trẻ và bài học "Viết báo bằng máu"

"Nhuận bút trả bằng máu" - đó là câu nói khái quát của lãnh đạo Báo Ấp Bắc qua chuyến về nguồn nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Các nhà báo cao niên một thời là đồng đội của các nhà báo Thái Phong, Vân Lam, Tuấn Ngọc… vui vẻ nhận lời và kể chuyện một thời làm báo trong mưa bom, bão đạn mang lại bài học sinh động cho người làm báo trẻ hôm nay.

Làm nghề nào cũng vậy, cần phải hiểu để trân trọng sự đóng góp của người đi trước như ông cha ta đã nói “chim có tổ, người có tông”. Từ sự khích lệ đó và hướng tới kỷ niệm 50 năm báo Đảng Tiền Giang mang tên Ấp Bắc (1963-2013), Chi đoàn Báo Ấp Bắc đã có chuyến về nguồn thật sự có ý nghĩa…

Các nhà báo cao niên cùng các bạn trẻ viếng mộ cố nhà báo Thái Phong.
Các nhà báo cao niên cùng các bạn trẻ viếng mộ cố nhà báo Thái Phong.

* Buổi sáng hôm ấy, ở một góc quê xã Thanh Bình (Chợ Gạo), trong ngôi nhà của gia đình cố nhà báo Thái Phong (tên thật là Thái Văn Thanh) như ngày hội. Mọi người rộn ràng, vừa làm mâm cỗ, vừa hàn huyên chuyện xưa, chuyện nay về người quá cố. Mặt trời lên cao, các thế hệ làm báo và người thân ra tận khu mộ thắp hương tưởng niệm rồi quay vào bàn thờ cúng bái cố nhà báo Thái Phong.

Trong không gian trầm lắng, nhà báo Trần Bửu - người cùng thời, ôn tồn kể: “Thái Phong tham gia cách mạng, làm báo, viết văn khi còn rất trẻ. Với vốn kiến thức của cậu học trò trung học Nguyễn Đình Chiểu, Thái Phong lại điềm đạm, tỉ mỉ nên viết tốt cả mảng báo chí lẫn văn nghệ.

Sau khóa học do Ban Tuyên huấn Trung ương Cục tổ chức, Thái Phong viết truyện ngắn “Em Đức” và được trao Giải Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu. Thái Phong mất ở tuổi 49, cái tuổi chính chắn, bút lực sung mãn… là điều đáng tiếc cho báo chí, văn nghệ tỉnh nhà…”.

Cứ như vậy, chị Bích Thủy, bác Tám gái (vợ cố nhà báo Thái Phong) cùng các bác, các chú, các anh hồi tưởng về nhân cách, về phong cách viết của cố nhà báo - nhà văn Thái Phong… bài học "viết báo bằng máu" in sâu trong tâm khảm người làm báo trẻ…

Chú thich dùm e.Ảnh P.Mai
Phút mặc niệm nhà báo - liệt sĩ Vân Lam.

* Buổi chiều, đến với gia đình nhà báo - liệt sĩ Vân Lam (Tân Điền, Gò Công Đông), chuyến về nguồn càng thú vị với nhà báo về hưu Công Tạo và bác Nguyễn Quốc Hùng, thủ trưởng của nhà báo Vân Lam.

Trong ngôi nhà tình nghĩa do Báo Ấp Bắc vận động Công ty XSKT Tiền Giang tặng cách đây hơn 5 năm càng thêm ấm cúng đón tiếp những đứa con trong đại gia đình Báo Ấp Bắc.

Vợ chồng anh Thống - con duy nhất của nhà báo Vân Lam hòa trong cánh áo xanh chi đoàn Báo Ấp Bắc như anh em lâu ngày gặp lại.

Thỉnh thoảng có bạn chiêm nghiệm trước di ảnh người quá cố. Bức ảnh của một chàng trai có gương mặt thanh tú, hy sinh ở tuổi 26 tràn đầy nhựa sống. Bức ảnh đặt sau tủ thờ Gò Công vẫn còn tấm bảng con ghi: “Báo Ấp Bắc tặng”.

Bác Trần Bửu, chú Công Tạo, cùng các bạn trẻ theo chân anh Thống ra tận mộ cải táng nhà báo - liệt sĩ Vân Lam dọn cỏ, thắp hương. Tất cả bùi ngùi, tưởng niệm về nhà báo tài hoa Vân Lam - một chiến sĩ phóng viên trẻ năm xưa không nề hiểm nguy đưa những dòng tin, bài báo hừng hực khí thế đấu tranh, phong trào quần chúng chống Mỹ - ngụy... Và Vân Lam đã hy sinh ở Giồng Sơn Quy (xã Tân Trung).

Lại thêm nhiều câu chuyện về nguồn. Bác Nguyễn Quốc Hùng kể đi kể lại: Nó (gọi thân mật Vân Lam) gan dạ, sáng dạ và có nhiều năng khiếu viết báo, viết văn, làm thơ và cả viết bạch chỉ. Nó với Công Tạo có 2 tác phẩm được thưởng qua lớp viết văn, viết báo. Vân Lam với “Mùa sò quê tôi”, còn Công Tạo với “Con gái Song Bình”. Rồi vị lão thành cách mạng kể về trường hợp hy sinh của Vân Lam và tiếc cho một tài năng hy sinh còn quá trẻ.

… Vậy đó, từ chuyến về nguồn nhân 27-7, những người làm báo trẻ tại Báo Ấp Bắc tự thẩm thấu bài học cụ thể về những con người - hành động cụ thể với tiêu đề khái quát và sinh động “Viết báo bằng máu”. Bài học đó là hành trang để người làm báo tiếp tục dấn thân.

P. MAI

.
.
.