Tiễn biệt Thiếu tướng Phan Lương Trực
Thiếu tướng Phan Lương Trực. |
Vào viếng tang chú Bảy, đưa tay lên chào, tôi nhớ ngay nhiều người đã gọi chú là vị tướng chào bằng tay trái, vì tay phải của chú đã bị thương trong chiến dịch Chợ Gạo năm 1947.
Mọi người thường biết đến chú với tên Phan Lương Trực, đó là tên người thầy của chú, người đã chỉ huy lực lượng vũ trang tỉnh Mỹ Tho tiến vào giải phóng thị xã Mỹ Tho ngày 18-8-1945 và sau đó đã anh dũng hy sinh trong những năm đầu kháng chiến chống bọn thực dân Pháp.
Cảm mến đức độ và dũng khí của thầy Phan Lương Trực, được chỉ huy đồng ý và khuyến khích, chàng trai Đỗ Hữu Công ở lớp tuổi 20 bắt đầu kế tục tên Phan Lương Trực và đã làm vẻ vang tên ấy.
Điều này tôi biết được vào những năm 1990, khi chính Thiếu tướng Phan Lương Trực tổ chức lực lượng đi về huyện Châu Thành, Bến Tre tìm kiếm và cất bốc hài cốt thầy Phan Lương Trực đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.
Thiếu tướng Phan Lương Trực đã khởi đầu binh nghiệp ở tuổi 17 với chiến công đầu tiên là trận diệt đồn Kinh Xáng năm 1946. Từ ấy chú vào cuộc trường chinh trong kháng chiến trường kỳ với cương vị từ chiến sĩ đến chỉ huy ở các đơn vị tên tuổi như: Trung đoàn 105, Liên Trung đoàn 105-120. Năm vừa tròn 20 tuổi, chú đã là Đại đội trưởng Đại đội 2053 của Tiểu đoàn 410 chủ lực Nam bộ.
Trưởng thành trong thực tiễn chiến trường, rồi được đào tạo bài bản trong xây dựng quân đội ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa; trở về Nam, về chính quê hương mình, là người chỉ huy cấp chiến dịch, chú đã góp phần cùng đồng đội, đồng bào làm nên những chiến công vang dội ở chiến trường trọng điểm Mỹ Tho những năm đầu 1970.
Nhiều lần tôi trực tiếp được nghe chú cùng các chú Sáu Phú, Tám Thành, Tám Vị... là các tướng lĩnh từng chỉ huy ở chiến trường Mỹ Tho tâm sự về những khó khăn phải vượt qua để được duy trì các đơn vị bộ đội tập trung ở chiến trường Mỹ Tho vào những năm đầu 1970, việc tổ chức chiến đấu để thực hành các chiến dịch tổng hợp ngày ấy, tôi vô cùng khâm phục bản lĩnh và tài năng của các vị tướng trận mạc từng ở chiến trường tỉnh nhà.
Năm 1980, chú về đảm nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang. Khởi đầu công việc của chú lúc ấy là phải giải quyết khó khăn nhiều mặt trong xây dựng lực lượng cho chiến trường, đặc biệt là công tác tuyển quân.
Năm ấy, dân mình thiếu đói, chiến trường căng thẳng; gọi, tuyển quân rất gian nan, nhiều xã, huyện không đạt chỉ tiêu. Với phương pháp làm việc sâu sát, khoa học, gần gũi cán bộ, nhân dân, chú đã tìm ra mấu chốt để làm chuyển biến công tác động viên tuyển quân và đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương bật dậy được phong trào. Từ ấy Tiền Giang luôn là lá cờ đầu trong công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng vũ trang.
Sát đơn vị, sát chiến trường, sát chiến đấu là lẽ thường tình của người chỉ huy, ở thiếu tướng Phan Lương Trực đó là một tác phong mẫu mực. Nhớ mãi những lần chú kiểm tra các đơn vị huấn luyện, hành quân luyện tập, kiểm tra từng gói buộc, trang bị của từng người lính đến người chỉ huy.
Chiến dịch mùa khô 1984, chiến dịch 1985 là chỉ huy cơ bản, nhưng chú thường xuyên có mặt ở chiến trường Pursat, đến tận Rum Lích, Tà Lô... những nơi nóng bỏng thời ấy để kiểm tra việc tổ chức chiến đấu.
Trong những năm làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, chú hết lòng giúp đỡ, luôn gắn bó, tin tưởng và tôn trọng Bạn; giáo dục cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền thấm nhuần quan điểm của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ.
Cuối năm 1989, ở độ tuổi 60, chú lại được lệnh đi làm chuyên gia quân sự cho một nước XHCN ở Trung Á đang lâm vào tình thế rất ngặt nghèo; vậy mà tôi vẫn bắt gặp ở chú niềm phơi phới sẵn sàng và đã nhanh chóng đi nhận nhiệm vụ.
Là cán bộ quân sự nhưng ở chú là người chỉ huy có sự quan tâm đặc biệt đến công tác tác xây dựng Đảng, công tác chính trị - tư tưởng với sự hiểu biết sâu sắc. Những buổi sinh hoạt chính trị sinh động trong thời điểm đầy biến động ở những năm 1990 do chú chủ trì đã góp phần kiên định vững vàng ý chí, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ.
Đó là bài học không chỉ có ý nghĩa ở thời điểm ấy, mà cả cho đến tận ngày nay. Những sáng tạo để xây dựng cơ chế Đảng lãnh đạo trong công tác Quốc phòng, quân sự địa phương như: Chi bộ Quân sự ở xã (phường, thị trấn), Đảng ủy Quân sự huyện và nhiều chính sách trong xây dựng lực lượng vũ trang đã có nhiều đóng góp trực tiếp và thiết thực của chú.
Là cán bộ chỉ huy, nhưng nhiều năm công tác ở đơn vị, tôi chưa lần nào nghe chú bảo việc này, việc kia là mệnh lệnh. Chú luôn sâu sát, gần gũi cấp dưới giao việc, chỉ bảo, hướng dẫn tận tình; chưa bao giờ thấy chú quát nạt cán bộ, chiến sĩ.
Ở Đoàn 9903, có lần giao nhiệm vụ chiến đấu cho 1 cán bộ tham mưu vừa được tăng cường, do tình huống khẩn trương mà anh cán bộ này dù được phổ biến nhiều lượt nhưng vẫn không rõ nhiệm vụ, chú có to tiếng. Từ đó về sau chú ân hận mãi và nhiều lần tâm sự với anh em điều ấy.
Tôi được làm việc trực tiếp với chú từ năm 1980 với cương vị cán bộ thuộc quyền dưới nhiều cấp và được chú cùng lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn quan tâm bồi dưỡng. Đến năm 1989, chú vẫn là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS, tôi được giao nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh.
Cương vị là vậy, nhưng cấp hàm, tuổi đời, năng lực, kinh nghiệm của tôi so với chú là quá chênh lệch. Tuy vậy chú không chỉ tận tình giúp đỡ tôi trong nhiệm vụ, mà còn luôn thể hiện sự tôn trọng đối với người cán bộ công tác Đảng, công tác chính trị.
Các việc dù nhỏ, lớn của đơn vị chú đều trao đổi với tôi, với tập thể Bộ Chỉ huy. Những ý kiến của tôi khác với ý kiến của chú, chú đều tôn trọng; thậm chí có ý kiến khác với chú được tập thể tán thành hoặc chú thấy đúng vẫn yêu cầu đơn vị thực hiện. Do vậy tôi có điều kiện thẳng thắn nêu những chính kiến của mình trong công việc.
Tôi nhớ lần Đại hội tỉnh Đảng bộ, tôi và chú đều có phát biểu về một nội dung quy định tổ chức trong xây dựng quân đội với ý kiến hoàn toàn khác nhau. Đại hội phải lấy biểu quyết. Các đại biểu dự Đại hội rất ngạc nhiên, nhưng chú vẫn thoải mái.
Là vị tướng chỉ huy nhưng rất quan tâm đến văn hóa cũng là một nét đặc biệt của chú Bảy. Mặc trang phục không những chỉ đúng mà còn phải đẹp là điều chú luôn yêu cầu đối với đơn vị; chú đã nhiều lần giao tôi phải đặc biệt nhắc nhở những sĩ quan xuề xòa trong trang phục.
Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao là điều chú đặc biệt quan tâm. Từ đó phong trào văn nghệ quần chúng của lực lượng vũ trang tỉnh Tiền Giang đã trở thành lá cờ đầu với lực lượng nòng cốt là Đội Tuyên văn hùng hậu phục vụ khắp chiến trường.
Ngày nay còn nhiều người hạt nhân của phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh nhà đã từng là những đồng chí từ phong trào này. Và cả đội bóng đá của Tỉnh đội là đội có thứ hạng những năm 1980. Việc khởi nguồn của các lễ hội 22-12, Ấp Bắc ở tỉnh nhà phải chăng xuất phát từ ý tưởng của chú Bảy?
Ngày nay, người đời thường nói: Tướng có chiến tướng, võ tướng, văn tướng, cả “lễ tướng”,... Với tôi, Thiếu tướng Phan Lương Trực là vị tướng toàn năng, với phong cách chỉ huy mẫu mực và có tầm nhìn chiến lược.
Thiếu tướng Phan Lương Trực đã về chốn vĩnh hằng. Trong ngày tiễn biệt chú, bên cạnh lãnh đạo các cấp, đồng đội của chú, tôi thấy có nhiều bậc cao niên là bạn hữu, là đồng đội của chú đã đưa cả gia đình với đầy đủ con, dâu, rể đến viếng; những đồng đội trên 80 tuổi đang bệnh cũng vượt hàng trăm cây số đến viếng, có cả những chiến sĩ là bảo vệ chú năm xưa ở chiến trường miền Đông.
Vẫn biết “Tre tàn măng mọc” là tất nhiên của tạo hóa, nhưng sao lòng tôi cứ ngậm ngùi với chú - người thầy, người đồng đội của tôi, của lực lượng vũ trang tỉnh nhà.
LÊ DŨNG
(Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang)