Thứ Bảy, 11/08/2012, 06:08 (GMT+7)
.

Vị tướng “cửu thập” và ký ức hào hùng

Tới thăm Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh (Mười Thi) vào một ngày đầu tháng 8, tôi thực sự vui mừng vì ở vào tuổi “cửu thập”, trí nhớ của ông vẫn còn minh mẫn và sức khỏe khá tốt. Tôi vừa mới dứt lời chào, trung tướng đã nhận ra ngay: - Đậu Viết Hương hả! Khỏe không? Vào nhà ngồi chơi. Chắc là, lại chuẩn bị cho một ngày kỷ niệm trọng đại, có phải vậy không?

Trung tướng Mười Thi vui thú cùng cây kiểng
Trung tướng Mười Thi vui thú cùng cây kiểng.

Đã khá quen thuộc với tác phong của trung tướng, tôi vào đề ngay: - Dạ thưa chú Mười! Hôm nay, cháu đến là để tìm hiểu thêm về ngày truyền thống của LLVT tỉnh nhà, nhân dịp kỷ niệm tròn 72 năm ngày thành lập (12-8-1940 – 12-8-2012).

- Vậy hả! Tưởng gì, chứ nói về LLVT thì mình sẵn sàng. Có một điều thuận lợi là cả cuộc đời của mình, kể từ khi tham gia cách mạng cho đến lúc trưởng thành đều ở trong LLVT. Sau giải phóng, mình từng tham gia nhiều cuộc hội thảo, đóng góp cho nhiều công trình khoa học về lịch sử, nhất là lịch sử của LLVT khu vực ĐBSCL. Vì vậy, có vấn đề gì chưa hiểu, cháu cứ hỏi.

Trong không gian cởi mở, dù tuổi đã cao giọng trung tướng vẫn trầm và ấm: - Trong lý lịch, mình quê Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Nhưng xét về cội nguồn lịch sử thì làng Bình Đại lại thuộc quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho, sau này mới cắt sang cho tỉnh Bến Tre. Vị tướng tự hào: Như vậy, mình là người con chính gốc của tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Từ cuộc tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 trở về trước, mình công tác và hoạt động trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Tháng 4-1968, mình được điều về công tác tại Cục Chính trị Quân khu 8. Từ đó cho đến ngày giải phóng, mình hoạt động chủ yếu trên chiến trường trọng điểm tỉnh Mỹ Tho.

Sau giải phóng, mình được điều về làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang. Đầu năm 1979, sau khi đi học tại Học viện Quân sự cao cấp về, mình được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh
Quân khu 9, sau đó được bầu làm Bí thư Đảng ủy Quân khu 9. Chính ở cương vị này, mình mới có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của LLVT trong toàn quân khu.

Với tác phong của người lính cụ Hồ, ngăn sách, tư liệu của vị tướng thật ngăn nắp, thứ tự. Chỉ cần ít phút là có ngay những sự kiện trích dẫn. Giọng trung tướng chậm rãi: - Theo sử liệu, chuẩn bị cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, ngày 12-8-1940, tại ấp Miễu Hội, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, Ban Quân sự tỉnh được thành lập do đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm Chỉ huy trưởng, kiêm Trưởng ban Tham mưu. Đồng chí Nguyễn Văn Tân làm Trưởng ban Quân nhu, đồng chí Trần Bá Thọ làm Trưởng ban Quân báo, đồng chí Nguyễn Văn Ghè và Lê Văn Quới làm Trưởng ban Phá hoại.

Trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, LLVT đã sát cánh cùng với nhân dân vùng lên giành chính quyền tại 75/114 xã. Sau cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đàn áp dã man, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị hy sinh, bị tù đày; số còn lại rút vào Đồng Tháp Mười tiếp tục củng cố và xây dựng lực lượng chờ thời cơ. Đến tháng 8-1945, LLVT tỉnh nhà đã hỗ trợ đồng bào vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Đầu năm 1947, Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định thành lập Tỉnh đội Dân quân do đồng chí Đoàn Hữu Huynh làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Thịnh làm Tỉnh đội phó. Đồng thời, thành lập Ban Phá hoại trực thuộc Ban Quân sự tỉnh do đồng chí Nguyễn Tấn Thành làm Trưởng ban.

Từ đó, hoạt động của LLVT ngày càng chủ động hơn trong việc tấn công tiêu diệt địch. Nhiều trận thắng lớn đã diễn ra trong thời kỳ này, đó là: Trận Giồng Đình (13-1-1947), trận Cổ Cò (22-1-1947), trận Long Thạnh, trận Bình Thành (3-1947), trận Giồng Dứa (25-4-1947). Để hỗ trợ và phối hợp tấn công tiêu diệt địch, ngày 23-3-1949, trên chiến trường Mỹ Tho, quân khu đã thành lập Tiểu đoàn chủ lực 309 lập nhiều chiến công còn vang dội đến bây giờ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuối năm 1959, tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của tỉnh được thành lập mang phiên hiệu Tiểu đoàn 514 và hầu hết các xã đều thành lập được các đội dân quân. Một trong những chiến công vang dội của Tiểu đoàn 514 là đã phối hợp với Tiểu đoàn 261 chủ lực quân khu và lực lượng dân quân, bộ đội địa phương quân làm nên chiến thắng Ấp Bắc, đánh bại hoàn toàn chiến thuật “Trực thăng vận - Thiết xa vận”, làm phá sản chiến thuật 2 gọng kìm “tìm và diệt”, xương sống kế hoạch bình định của địch.

Ngày 15-9-1967, chiến thắng Ba Rài (Cẩm Sơn, Cai Lậy) đã đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”. Tháng 12-1967, trận đập Ông Tải (Hậu Mỹ, Cái Bè), đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 9 Mỹ. Tiếp theo là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh thẳng vào trung tâm TP. Mỹ Tho và các căn cứ quân sự của địch. Cuối cùng là tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cũng không thể không nhắc tới cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, LLVT tỉnh nhà đã góp phần giúp bạn đánh bại chế độ diệt chủng Pônpốt, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong công cuộc cải tạo, xây dựng, phát triển và đổi mới quê hương, LLVT tỉnh nhà luôn là lực lượng tiên phong, góp phần giữ vững nền quốc phòng, an ninh ổn định.

Câu chuyện kể về LLVT tỉnh nhà quả là sinh động, bởi đó là ký ức không phai trong tâm thức một nhà quân sự từ người lính trở thành vị tướng. Bây giờ, dù mái đầu bạc phơ, trở về với cuộc sống đời thường, trung tướng còn góp phần xây dựng Hội CCB tỉnh nhà ngày càng vững mạnh.

Với những cống hiến của mình, tháng 5-2012, trung tướng vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huy hiệu 65 tuổi Đảng. Ở tuổi 90, Trung tướng vẫn thường xuyên đọc sách báo, còn những phút giây thư giãn là vui đùa với con cháu và chăm sóc cây kiểng. Kính chúc trung tướng luôn dồi dào sức khỏe, mãi mãi là cây cao bóng cả của LLVT nhân dân tỉnh Tiền Giang.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.