Thứ Sáu, 10/08/2012, 07:00 (GMT+7)
.

Xây dựng LLVT vững mạnh xứng đáng với truyền thống anh hùng

Ngày 12-8-1940, tại ấp Miễu Hội, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tỉnh ủy Mỹ Tho mở hội nghị công bố thành lập Ủy ban Quân sự - cơ quan lãnh đạo quân sự cao nhất tỉnh - đánh dấu sự ra đời của LLVT tỉnh Tiền Giang. Ủy ban Quân sự tỉnh chính thức đi vào hoạt động và các Ban Tham mưu, Quân nhu, Quân báo, Phá hoại lần lượt ra đời.

Chỉ sau 3 tháng thành lập, ngày 23-11-1940, bằng cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, LLVT đã cùng nhân dân tỉnh nhà đứng lên giành chính quyền ở 70 xã, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên nóc đình Long Hưng, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhân dân và LLVT tỉnh nhà vừa xây dựng, vừa chiến đấu, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh bại thực dân Pháp và bè lũ tay sai, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy.

Trung tướng Nguyễn Phương Nam - Tư lệnh Quân khu 9 kiểm tra huấn luyện DBĐV ở Trung đoàn 924. Ảnh: Lê Tiễn
Trung tướng Nguyễn Phương Nam - Tư lệnh Quân khu 9 kiểm tra huấn luyện DBĐV tại Trung đoàn 924. Ảnh: Lê Tiễn

Đến tháng 10-1955, Mỹ truất phế Bảo Đại, đưa Diệm lên làm Tổng thống. Chúng hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam, thay đổi bộ máy chính quyền, thành lập các tiểu đoàn, tăng cường lực lượng bảo an, cảnh sát về các quận, thực hiện tố cộng, diệt cộng từ Trung ương xuống cơ sở, cắt nhỏ địa bàn ra để đàn áp phong trào cách mạng.

LLVT tỉnh tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến mới, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để xây dựng LLVT đủ mạnh làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, ngoài lực lượng du kích được xây dựng tại địa phương, Tỉnh ủy còn tập trung số cán bộ của Mỹ Tho đang hoạt động bí mật ở Đồng Tháp Mười để thành lập Trung đội vũ trang 514 (về sau được bổ sung lực lượng thành Tiểu đoàn 514); sử dụng LLVT diệt một số tên ác ôn để giữ phong trào, gọi các đồng chí điều lắng về bổ sung cho cơ sở, xây dựng lại các chi bộ.

Khi Tổng thống Mỹ Kennedy lên cầm quyền và triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam với kế hoạch Stalay – Taylor bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. LLVT tỉnh xây dựng thêm 1 Trung đội Công binh thủy, Trung đội Trinh sát và Đại đội 211 để bảo vệ căn cứ và phát động phong trào “đánh phá bình định”.

Lúc này các Ban quân sự tỉnh, huyện được đổi thành Ban chỉ huy quân sự có đủ các cơ quan chuyên môn; đồng thời tỉnh tuyển chọn thanh niên bổ sung cho các đơn vị, mở trường đào tạo tân binh, trường huấn luyện cán bộ tiểu đội…

Đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch bị phá sản, chúng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với 2 gọng kềm “tìm diệt và bình định”, ủi phá gần 1.000 mẫu ruộng vườn, thổi cát ngập một vùng để lập căn cứ Đồng Tâm cho Sư đoàn Bộ binh Mỹ đóng quân.

Tiểu khu Định Tường cũng huy động lực lượng càn quét ngày đêm ở 5 xã quanh vùng (Bình Đức, Long Hưng, Song Thuận, Thạnh Phú, Phước Thạnh, Vĩnh Kim) đốt phá nhà cửa, bắt giam những người bị tình nghi… làm cho các chi bộ ở đó tan rã.

Lúc này, Tỉnh ủy chỉ đạo đưa LLVT đến để tổ chức mặt trận vành đai và tiêu diệt địch. Trên địa bàn vành đai, nhân dân tổ chức rào làng, cắm bảng tử địa; vót chông, lượm pháo lép về chế tạo trái nổi… Phong trào diệt Mỹ diễn ra rộng khắp, buộc Sư đoàn 9 của Mỹ phải rút khỏi căn cứ Đồng Tâm vào tháng 10-1969.

Kiểm tra giáo dục quốc phòng. Ảnh: Lê Tiễn
Kiểm tra giáo dục quốc phòng. Ảnh: Lê Tiễn

Tháng 2-1968, Nixon trúng cử Tổng thống Mỹ, cho ra đời chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, với mục tiêu là rút quân Mỹ mà vẫn giữ được chính quyền tay sai.

Chúng dùng sức mạnh quân sự tối đa mở các cuộc phản công chiến lược để tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Lúc này, LLVT tỉnh tổ chức thêm Đại đội Công binh, Đại đội Bộ binh 78 và 2 Đại đội Đặc công liên tục đánh địch.

Trong lúc cuộc chiến tranh đang diễn ra quyết liệt thì ngày 2-9-1969, Bác Hồ qua đời. Cả nước “biến đau thương thành hành động cách mạng”. Chỉ trong 3 tháng, LLVT tỉnh đã diệt 500 tên biệt kích, 2 Đại đội Bảo an, đánh 17 đoàn bình định.

Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng với bản chất hiếu chiến, chúng đã chà đạp lên các điều khoản của hiệp định như: Trước khi rút quân, Mỹ đưa vào miền Nam 625 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép và nhiều phương tiện khác.

Được Mỹ tiếp tay, Nguyễn Văn Thiệu đưa quân chủ lực ngụy cùng toàn bộ lực lượng địa phương đánh chiếm vùng giải phóng và nhiều căn cứ lõm của ta. Với ý chí và quyết tâm chiến đấu cao, đến cuối năm 1973 ta đã diệt gần 100 đồn, giải phóng được 10 xã. Năm 1974, ta liên tục mở các cao điểm, làm rã bộ máy kềm kẹp của địch ở cơ sở.

Cuối tháng 10-1974, Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương mở chiến dịch mùa khô 1974 - 1975 trước một tháng. Ngày 6-11-1974, chiến dịch bắt đầu. LLVT tỉnh, huyện liên tục bao vây bức rút đồn bót cùng nhân dân nổi dậy tham gia vây đồn phá lộ cả ban ngày. Chiến dịch thắng lợi giòn giã.

Cuối tháng 3-1975 ngụy quân, ngụy quyền đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị “nắm vững thời cơ, thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng; thực hiện tổng công kích – tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất”.

Ngày 9-4-1975, Tỉnh ủy Mỹ Tho phổ biến lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa. LLVT tỉnh tiến hành đánh chiếm các trung tâm huyện và thị xã Mỹ Tho đến đêm 25-4-1975 cùng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Trưa ngày 1-5-1975 địa bàn tỉnh được giải phóng hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Hòa bình lập lại, chưa một phút nghỉ ngơi thì kẻ thù lại xuất hiện ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Tiền Giang lại tiếp tục lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang của mình, được nhân dân Campuchia tin yêu, mến phục.

Huấn luyện.
Huấn luyện. Ảnh: Lê Tiễn

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, CNH - HĐH đất nước, LLVT Tiền Giang tiếp tục phát huy truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tích cực tham mưu Tỉnh ủy – UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân ngày càng vững mạnh; triển khai thực hiện có hiệu quả  các chỉ tiêu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.

LLVT tỉnh đã làm tốt công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng. Chú trọng kết hợp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tôn giáo; học sinh, sinh viên các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trên địa bàn với tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh đã tập trung xây dựng LLVT một cách toàn diện, chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao, thật sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Trong đó, lực lượng thường trực được xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở. Hiện đã có 92,2% cán bộ qua đào tạo cơ bản; 51,06% tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trên đại học.

Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo đề án, hiện đạt 1,28% so với dân số, tự vệ cơ quan đạt 22,62% so với cán bộ, công nhân viên. Lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý chặt chẽ, sắp xếp vào các đơn vị theo mệnh lệnh động viên, đạt 93,05%. Về chất lượng có 5,33% là đảng viên, các đại đội huy động khẩn cấp đều hình thành chi bộ.

Nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, huấn luyện cho các đối tượng đều đạt 100% quân số, nội dung, thời gian; chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ và hoạt động chiến đấu trị an, bảo vệ địa bàn.

xv
Sản xuất tự túc. Ảnh: Lê Tiễn

LLVT tỉnh đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho hoạt động thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu. Đã có nhiều cố gắng đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ bản, hiện nay doanh trại, nơi làm việc của lực lượng thường trực cơ bản đáp ứng được yêu cầu; 164/169 Ban CHQS xã, phường, thị trấn có trụ sở làm việc.

Công tác chính sách hậu phương quân đội luôn được quan tâm, từ đầu năm 2011 đến nay Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận, xét duyệt và đề nghị về trên giải quyết chính sách cho 18 đối tượng thương bệnh binh; 1 hồ sơ công nhận liệt sĩ; 23.920 đối tượng được hưởng theo Quyết định 290, 188, 142 của Thủ tướng Chính phủ.

Đã có quyết định xét cấp 23.672 trường hợp, với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng; xây tặng 10 căn nhà tình nghĩa, 81 căn nhà “Tình đồng đội”, với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Vận động đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; “Ngày vì người nghèo”; “Phòng chống thiên tai” trên 88 triệu đồng.

Ngoài ra còn đưa 7.682 lượt cán bộ, chiến sĩ làm công tác vận động quần chúng, đóng góp trên 29.700 ngày công lao động giúp các gia đình chính sách khó khăn và nhân dân địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Phát huy thành tích đạt được 72 năm qua, trong thời gian tới, lực lượng vũ trang tỉnh Tiền Giang tập trung mọi nỗ lực, ra sức khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

CAO THẢO

.
.
.