Bộ Nội vụ khẳng định: Mọi loại hình bằng cấp có giá trị như nhau
Trước "làn sóng tẩy chay" đại học tại chức đang lan rộng, Bộ Nội vụ khẳng định: Mọi loại hình bằng cấp có giá trị như nhau và việc thi tuyển công chức ngoài phẩm chất, trình độ, còn phải chú trọng năng lực và thống nhất theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Vấn đề là phải chọn được người có năng lực. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ |
Tại họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ ngày 3-10, Chánh Văn phòng bộ, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết đã nhận được rất nhiều băn khoăn của công chúng trước thông tin 7 tỉnh, thành trong cả nước nói "không" với bằng tại chức khi tuyển công chức.
Ông Bình khẳng định, những quy định hiện hành về tuyển dụng công chức phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. "Luật Công chức không cấm việc tuyển dụng những người có bằng tại chức và Luật Giáo dục cũng không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp" - ông Bình viện dẫn.
Song, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết bộ "không cứng nhắc, khô cứng" khi "chia sẻ suy nghĩ và trách nhiệm" với các địa phương - những người sử dụng nguồn nhân lực: Họ đều mong muốn tìm cách này, cách khác để tuyển dụng được những người thực sự có năng lực, trình độ, để tận dụng có hiệu quả nhất nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Xuân Bình nói: "Cần nhìn nhận một cách xác đáng rằng, trong quá trình dài hình thành nền giáo dục quốc dân, đã có những giai đoạn, các loại hình đào tạo ngoài chính quy góp phần đào tạo nên nhiều con người sau này trở thành tài năng, thậm chí trở thành các nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, có một thực tế trong thời gian qua, trong một chừng mực nào đó, loại hình đào tạo tại chức tràn lan và không phải tất cả những người được đào tạo tại chức ra đều đáp ứng được yêu cầu mà xã hội mong muốn".
Do vậy, để tuyển được vào bộ máy những người có năng lực, trình độ thực sự, cần có sự kết hợp giữa các quy định của pháp luật và quyền cùng với trách nhiệm của người sử dụng nhân lực.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng: "Trước đây, trong tuyển dụng công chức, chúng ta mới chỉ chú trọng phẩm chất và trình độ. Nay theo tinh thần các văn kiện của Đảng và các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, vấn đề năng lực trong tuyển dụng ngày càng được nhấn mạnh bên cạnh phẩm chất, trình độ”.
Theo ông Trần Anh Tuấn, khi các văn bằng đều có giá trị tương đương trước pháp luật, không phân biệt loại hình công lập hay dân lập, chính quy hay tại chức, cơ hội đăng ký dự tuyển công chức là như nhau. Vấn đề là phải chọn được người có năng lực đảm đương nhiệm vụ và phục vụ xã hội. Do đó, việc thi tuyển phải bảo đảm công bằng, công khai và chất lượng.
Đối với một số địa phương đang "tẩy chay" hệ tại chức, ông Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, xác minh thông tin báo chí đã nêu. "Nếu đúng là có những việc làm trái quy định của pháp luật thì Bộ Nội vụ sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương tìm hướng giải quyết để việc thi tuyển tuân thủ đúng quy định pháp luật và nâng cao chất lượng tuyển dụng" - ông nói.
Được biết, "làn sóng tẩy chay" hệ tại chức đang diễn ra ở nhiều địa phương. Mở đầu là Đà Nẵng, đầu tháng 12-2010 chỉ đạo không tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào các cơ quan Nhà nước.
Tháng 5-2011, UBND Vĩnh Phúc quy định thi tuyển công chức phải có bằng đại học chính quy. Tháng 9-2011, hàng chục giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tiểu học ở Nam Định phải nghỉ dạy vì chỉ có bằng tại chức. Tháng 10-2011, Hải Dương thông báo không tuyển sinh viên tại chức.
Sang năm 2012, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam không tuyển sinh viên tại chức và cả các hình thức đào tạo liên thông, liên kết, từ xa... Tháng 8-2012, Quảng Nam thông báo tuyển gần 600 cán bộ, công chức và cũng yêu cầu không tuyển ứng viên có bằng đại học tại chức. Ngày 29-8, đến lượt UBND tỉnh Nam Định thông báo tuyển dụng công chức phải được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn.
Gần đây nhất, ngày 3-9, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định về chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học cũng không tuyển hệ tại chức vào cơ quan Nhà nước.
(Theo vietnamnet)