CĐVC tỉnh: Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động sát với thực tiễn
Phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CBCCVC,LĐ) và hoạt động của Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã có bước khởi sắc, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục ngày càng đi vào chiều sâu phù hợp với từng đối tượng, nhiều mô hình áp dụng trong thực tiễn đạt hiệu quả thiết thực; gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Phong trào thi đua ngày càng đi vào nền nếp, có chất lượng, vai trò của tổ chức Công đoàn được nâng cao; sự phối hợp theo dõi, đánh giá công tác thi đua chặt chẽ hơn, kịp thời khen thưởng, động viên CBCCVC, LĐ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo động lực thi đua tích cực.
Chủ tịch CĐVC tỉnh Hoàng Khắc Tinh, cho biết hoạt động của CĐVC luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, trên cơ sở đó đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở từng đơn vị. Đặc biệt là phối hợp với 46 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tuyên truyền, giáo dục cho CBCCVC,LĐ.
Nội dung đi sâu tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể là triển khai quán triệt các văn bản pháp luật có liên quan đến trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của CBCCVC,LĐ như: Luật Lao động, Luật Cán bộ - Công chức, Luật Giao thông đường bộ, Luật Thanh tra, Luật Giáo dục, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng …
Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước được phát động thường xuyên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, được CBCCVC,LĐ hưởng ứng tích cực, tạo không khí thi đua sôi nổi.
Chẳng hạn như: phong trào xây dựng người CBCCVC trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu; phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả; phong trào nữ CBCC giỏi việc nước, đảm việc nhà.
Qua phong trào thi đua, đã có 85 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào công việc và sản xuất ở các cơ quan, đơn vị.
Điểm nổi bật của hoạt động CĐVC tỉnh phải kể đến công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBCCVC,LĐ; đồng thời vận động các CĐCS thực hiện tốt công tác xã hội - từ thiện.
Thể hiện rõ nét nhất là CĐVC tỉnh và các CĐCS đã tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến CBCCVC,LĐ, hướng dẫn CĐCS phối hợp cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế phối hợp; cải thiện và tạo môi trường làm việc cho phù hợp; tham gia bình xét thi đua, xét nâng lương, công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Hàng năm, 100% CĐCS đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo cơ quan tổ chức tốt hội nghị CBCC, xây dựng và ban hành các quy chế chi tiêu nội bộ, xây dựng chuẩn mực đạo đức CBCC, xây dựng quy chế văn hóa cơ sở, từng bước hoàn thiện các tiêu chí thi đua phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm luôn được chú trọng, nhất là vận động CBCCVC,LĐ tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ thông qua các chương trình đào tạo nâng cao, đào tạo lại, cập nhật kiến thức mới.
Trong 5 năm qua, các đơn vị đã cử 5 người đi học tiến sĩ, 60 người đi học thạc sĩ, 95 người theo học đại học chuyên ngành, 80 người học cao cấp lý luận chính trị.
Với công tác xã hội - từ thiện, hiện nay đã có 20 đơn vị cơ sở nhận phụng dưỡng suốt đời 26 mẹ Việt Nam anh hùng, 14 gia đình liệt sĩ, thương binh với mức từ 300.000 - 500.000 đồng/người/tháng; vận động CBCCVC,LĐ đóng góp 1,5 tỷ đồng để xây dựng các quỹ xã hội - từ thiện.
Trong những ngày lễ lớn, vận động các CĐCS tổ chức các chuyến “về nguồn”, thăm và tặng quà các gia đình chính sách, gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống, các hoàn cảnh cơ nhở, đau yếu… với tổng số tiền 694 triệu đồng.
Để tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho CBCCVC,LĐ, 38 CĐCS đã duy trì hoạt động góp vốn xoay vòng làm kinh tế phụ, bình quân 200.000 đồng/tháng; trong nhiệm kỳ qua giải quyết cho trên 3.800 lượt CBCCVC,LĐ với tổng số vốn lên đến 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các CĐCS cũng ký kết bảo lãnh cho trên 3.400 lượt CBCCVC,LĐ vay vốn ngân hàng và Quỹ CEP - CN Mỹ Tho, tổng số vốn 41 tỷ đồng. Cũng từ các nguồn vốn này, nhiều gia đình CBCCVC,LĐ đã tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng ổn định, an tâm công tác.
Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn là việc làm không thể thiếu đối với CĐVC để nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng CĐCS vững mạnh đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và quản lý phù hợp với tình hình hiện nay.
Do vậy, CĐVC ngay sau đại hội đã tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức, kịp thời thay đổi, bổ sung ban chấp hành những nơi thiếu, yếu; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp sinh hoạt để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn, CĐCS.
Duy trì hoạt động của 3 cụm Công đoàn, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt, tập trung thảo luận trao đổi kinh nghiệm giữa các CĐCS trong công tác thi đua và xây dựng Công đoàn vững mạnh.
LÊ HUỲNH