Nâng cao chất lượng hoạt động Hội và phong trào nông dân
Những năm gần đây công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Tiền Giang đạt nhiều kết quả và có những chuyển biến khá tích cực, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Song, thực tế công tác Hội và phong trào nông dân trong tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, nhất là nội dung, phương thức chưa đáp ứng với yêu cầu mới.
Về mặt tích cực, công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, hội viên, nông dân được quan tâm đổi mới về nội dung, phương thức, có chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Qua giáo dục, nông dân Tiền Giang có ý thức đúng đắn về chính trị, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới; chấp hành tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống cần cù, siêng năng trong lao động, học tập để vươn lên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
Nông dân đã nhiệt tình tham gia các phong trào, các cuộc vận động tại địa bàn nông thôn như: Cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới và các phong trào do Hội Nông dân phát động.
Dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết được tăng cường, tình làng nghĩa xóm được mở rộng. Công tác tổ chức Hội ngày càng được củng cố vững mạnh; nội dung, phương thức hoạt động luôn được đổi mới; tổ chức đại hội thành công cấp cơ sở và cấp huyện; đội ngũ cán bộ được quan tâm quy hoạch đào tạo và sử dụng hợp lý, đúng quy trình, từng bước nâng cao phẩm chất và trình độ, đáp ứng với yêu cầu mới.
Hội thảo đầu bờ chuyển giao kỹ thuật nhân giống lúa mới. Ảnh: N.T |
Toàn tỉnh hiện nay có 269.170 hội viên tham gia sinh hoạt ở 7.800 tổ, 957 chi, 163 cơ sở Hội, tập hợp trên 60% nông dân trong độ tuổi vào tổ chức Hội, trên 95 % hộ nông nghiệp có hội viên nông dân. Qua bình xét hàng năm có trên 70% tham gia sinh hoạt, đóng hội phí, 20% hội viên nòng cốt, trên 80% đạt loại khá, vững mạnh trở lên.
Các phong trào hành động cách mạng của nông dân luôn được phát động sâu rộng, thiết thực và hiệu quả. Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được nông dân tích cực hưởng ứng. Qua 5 năm phát động đã có trên 100.000 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Tạo vốn từ các nguồn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân, các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, nguồn quỹ 120… có trên 2 ngàn tỷ đồng giúp vốn cho nông dân sản xuất, kinh doanh. Mở hàng ngàn lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật.
Chủ động phối hợp các ngành, doanh nghiệp tập trung dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tư vấn giới thiệu việc làm, tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho nông dân. Phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới văn minh, tiến bộ; phong trào bảo đảm quốc phòng an ninh được đông đảo nông dân tích cực tham gia. Đó là những kết quả cơ bản đáng trân trọng.
Tuy vậy, thực tế công tác Hội và phong trào nông dân vừa qua cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong quá trình hội nhập và phát triển, bên cạnh những mặt thuận lợi, nông dân đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Sản xuất hàng hóa, làm ra sản phẩm nhưng tiêu thụ khó khăn; năng suất lao động thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Bên cạnh đó thiên tai, rủi ro thường xuyên xảy ra đã làm cho tâm trạng nông dân chưa yên.
Tình trạng phân hóa giàu nghèo dẫn đến điều kiện hưởng thụ trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội của một bộ phận nông dân còn hạn chế. Việc chữa bệnh, học hành, đi lại, vui chơi, giải trí cho con em nông dân còn gặp khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Nội dung, phương thức hoạt động của công tác tổ chức Hội và phong trào nông dân đổi mới chưa kịp thời, chưa đáp ứng với yêu cầu. Tính chủ động, sáng tạo, sức phấn đấu của một bộ phận cơ sở, chi, tổ hội chưa cao. Đội ngũ cán bộ trình độ, năng lực chưa ngang tầm. Các phong trào hành động cách mạng của nông dân có lúc, có nơi còn dàn trải, chưa sâu; tính hiệu quả đôi lúc chưa cao.
Công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, hội viên và bà con nông dân chưa được sâu rộng; nội dung, phương pháp tuyên truyền còn đơn giản, khô cứng, hiệu quả thấp. Vì vậy vẫn còn một bộ phận nông dân chậm tiến, chưa chịu khó phấn đấu học tập, lao động để vươn lên còn trông chờ, ỷ lại; ý thức chính trị, xã hội kể cả pháp luật còn kém. Tình trạng khiếu kiện đông người vượt cấp mặc dù đã giảm nhiều, nhưng cũng còn diễn ra, có vụ khá phức tạp.
Phát huy truyền thống 82 năm của Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2012), đồng thời để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Hội Nông dân tỉnh tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, hội viên, nông dân; quán triệt cơ bản các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nội dung có liên quan đến nông dân.
Mục đích của công tác tuyên truyền là giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân có ý thức đúng đắn về chính trị, biết tôn vinh và phát huy truyền thống; chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt hướng cho giai cấp nông dân tự phấn đấu học tập, lao động, vươn lên để đáp ứng yêu cầu mới. Tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động tại địa bàn dân cư, nhất là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới; tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, xây dựng tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết trong nội bộ nông dân ngày càng được tăng cường và mở rộng.
Trong công tác tổ chức xây dựng Hội, luôn quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ và thường trực từ tỉnh đến cơ sở.
Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của địa phương, kết hợp với nhiệm vụ của Hội cấp trên, các cấp hội chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động một cách phù hợp theo phương châm hướng về cơ sở, sát hội viên, nông dân. Quan tâm đặc biệt đến quy hoạch, đào tạo, sử dụng và bố trí cán bộ một cách chặt chẽ, khoa học, đúng quy trình. Phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu bảo đảm chuẩn hóa, có năng lực, trình độ, tâm huyết, uy tín, hết lòng với công việc, với hội viên, nông dân.
Đến năm 2015 tiếp tục duy trì ổn định trên 70% nông dân trong độ tuổi được kết nạp vào Hội; trên 98% hộ có lao động nông nghiệp được kết nạp vào hội; trên 70% hội viên tham gia sinh hoạt và đóng hội phí đều; xây dựng 20% lực lượng nòng cốt. Hàng năm qua đánh giá, bình xét có trên 80% đạt khá, vững mạnh trở lên.
Tiếp tục đẩy mạnh 3 phong trào lớn của tổ chức Hội Nông dân: Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; Phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới văn minh, tiến bộ và Phong trào tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tổ chức triển khai và thực hiện tốt Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động số 23-TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch 201/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
NGUYỄN VĂN QUANG