Thứ Tư, 10/10/2012, 16:56 (GMT+7)
.

Nâng chất công tác dân vận, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị

Nhân kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận (15-10-1930 - 15-10-2012), ông Trần Long Thôn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ:

Trên cơ sở nâng cao nhận thức, kế thừa và phát huy truyền thống công tác Dân vận của Đảng qua các thời kỳ cách mạng; đồng thời quán triệt và cụ thể hóa thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; trong thời gian qua, hệ thống chính trị của tỉnh Tiền Giang đã có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng ngày càng đồng bộ, đi vào chiều sâu, nhất là việc thực hiện các chính sách có liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, cũng như các chính sách đối với các giai cấp, các tầng lớp, các tôn giáo dân tộc và các thành phần trong cộng đồng xã hội.

Kết quả đã tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để đáp ứng yêu cầu công tác vận động quần chúng trong thời kỳ mới, hệ thống Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể, hội quần chúng các cấp được củng cố, kiện toàn; quan tâm quy hoạch gắn với đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ, nhiệt tình công tác, sâu sát, gần gũi và được nhân dân tin tưởng.

* PV: Trong thời gian qua, công tác Dân vận vẫn còn những mặt hạn chế, tồn tại. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

* Ông Trần Long Thôn: Đảng ta đã khẳng định sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, chính nhân dân làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Mặc dù công tác vận động quần chúng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng hiện nay vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng chưa sâu sát; một số phong trào, cuộc vận động ở cơ sở chưa tạo được sức thuyết phục đối với nhân dân nên chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Hoạt động phối hợp liên ngành, liên tịch giữa các ngành với tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể còn hạn chế. Việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình tốt trong các chuyên đề công tác dân vận chưa kịp thời, thiếu chiều sâu; công tác giám sát, phản biện xã hội kết quả chưa cao. Tỷ lệ tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên của các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số nơi chưa đạt yêu cầu.

Công tác tuyên truyền và định hướng để  đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao hiểu biết, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Một số cán bộ làm công tác vận động quần chúng tại cơ sở trình độ năng lực, kinh nghiệm thực tiễn chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí nơi làm việc, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở cơ sở còn nhiều bất cập…

* PV: Theo ông, nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ đâu?

* Ông Trần Long Thôn: Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà nhận thức trách nhiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới chưa đồng đều, dẫn đến việc thực hiện quy chế về công tác dân vận do Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành thiếu tính đồng bộ.

Cán bộ công tác trong các đoàn thể nhiều nơi thay đổi liên tục, có nơi bị hụt hẫng cán bộ thay thế hoặc một số cán bộ mới bổ sung chưa trải qua công tác ở khối đoàn thể nên việc nghiên cứu, tham mưu về công tác vận động quần chúng còn hạn chế, tác nghiệp xử lý tình huống trong công tác dân vận còn lúng túng; yêu cầu nâng cao dân trí chưa đồng đều, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; cơ chế, chính sách có mặt còn bất cập, vận dụng vào thực tế gặp khó khăn, do đó khi tuyên truyền, triển khai, tính thuyết phục chưa cao, một bộ phận nhân dân chưa đồng thuận.

* PV: Ông có thể cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục tăng cường công tác dân vận trong giai đoạn mới?

* Ông Trần Long Thôn: Trước hết, cần khẳng định, bà con nhân dân ở tỉnh nhà có bề dày về truyền thống cách mạng, đã và đang tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào hành động cách mạng để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Do đó, các cấp ủy Đảng phải tiếp tục coi trọng và tăng cường hơn nữa chức năng lãnh đạo công tác dân vận, xem đây là yêu cầu trọng tâm và chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với bối cảnh mới.

Các cơ quan trong hệ thống chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp cần đánh giá, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, toàn diện về công tác vận động quần chúng; rà soát, đánh giá sát đúng hiệu quả của các cuộc vận động, các phong trào cách mạng ở địa phương và cơ sở; nắm chắc thực trạng đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân, của các giai cấp, các tầng lớp...

Trên cơ sở đó tập trung đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận, gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở theo tinh thần phù hợp giữa ý Đảng với lòng dân, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng thời phát huy nghĩa vụ của công dân để tập trung nguồn lực, tăng cường sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước diễn biến tình hình mới.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.