Ngày 22-10: Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII
Là kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian (khoảng 10 ngày) xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; nghe báo cáo về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế; xem xét báo cáo công tác năm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; xem xét, thông qua 2 Nghị quyết quan trọng về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn…
Tại buổi họp báo chiều 19-10 về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, cách thức tổ chức kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sẽ tiếp tục được đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Cụ thể, về công tác thông tin, tuyên truyền, số lượng các phiên họp của Quốc hội được truyền hình, phát thanh trực tiếp sẽ tăng lên 13 buổi (tăng 5 buổi so với kỳ họp trước), trong đó có những nội dung hiện đang được cử tri và dư luận xã hội quan tâm theo dõi như: dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.
Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ làm việc trong 26 ngày.
(Theo chinhphu)