"Chấm điểm" việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng
Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp 2 và 3. Đây sẽ là căn cứ để các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng, trưởng ngành.
Chiều 19-10, tại cuộc họp báo quốc tế trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp này sẽ khai mạc ngày 22-10 và bế mạc ngày 22-11. Do thời gian ngắn nên các bộ trưởng không thể lần lượt lên trình bày việc thực hiện lời hứa mà phải gộp lại thành một báo cáo về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.
"Báo cáo sẽ đánh giá tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông theo lời hứa của Bộ trưởng Giao thông; lời hứa giải quyết khiếu nại tố cáo kéo dài của Tổng Thanh tra Chính phủ... Nếu việc thực hiện của bộ trưởng không đảm bảo thì khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ thấp. Hai năm liên tục người đó không vượt 50% thì sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm", ông Phúc nói.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành 1,5 ngày để nghe và thảo luận về báo cáo phòng chống tham nhũng. Đồng thời, sẽ thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), bổ sung các vấn đề công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức; diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng; quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng...
Các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến về về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để có thể thực hiện từ năm 2013; dự Luật thủ đô, Luật đất đai (sửa đổi)...
Như thường lệ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến kéo dài 2,5 ngày. Nhiều buổi thảo luận các nội dung quan trọng cũng sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
(Theo vnexpress)