Thứ Hai, 01/10/2012, 11:18 (GMT+7)
.

Chăm sóc người cao tuổi - đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Sau khi từ nước ngoài trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Minh vào mùa Xuân năm 1941, trong thư gửi phụ lão cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “...Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui”.

Tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn luôn dành cho phụ lão những tình cảm đặc biệt. Mỗi khi nhận được tin tức về chiến công hoặc những việc làm có ý nghĩa của các cụ phụ lão trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Người đều kịp thời có thư động viên, thăm hỏi.

Các thế hệ người cao tuổi Việt Nam đã kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của các bậc tiền bối từ thời các vua Hùng dựng nước qua các thời đại: Lý, Trần, Lê…, tiêu biểu là lớp người cao tuổi tham gia Hội nghị Diên Hồng năm 1285, với ý chí “Sát thát” đã cùng triều đình và toàn dân quét sạch giặc Nguyên Mông hung bạo ra khỏi bờ cõi Việt Nam.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, từ những năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập, người cao tuổi đã tích cực và có đóng góp to lớn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (năm 1930 - 1931), Mặt                trận Bình Dân (từ 1936 đến 1939).

Đầu những năm 40, đáp “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” của Bác, lớp lớp người cao tuổi đã tham gia Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, làm giao thông liên lạc cho cán bộ, làm công tác binh vận, tham gia Tổng khởi nghĩa, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người cao tuổi đã tham gia du kích, rào làng kháng chiến, vận động con cháu thực hiện khẩu hiệu “Vườn không nhà trống”, “Cướp súng giặc để giết giặc”, góp phần làm thất bại các trận càn của giặc, hăng hái tăng gia sản xuất, động viên con cháu nhập ngũ.

Các “Hội mẹ chiến sĩ” vận động bà con tiết kiệm, xây dựng “Hũ gạo nuôi quân” giúp đỡ bộ đội, đón nhận thương binh, bệnh  binh về nuôi, hết lòng chăm sóc anh em từ các mặt trận về hậu phương… Người cao tuổi ở miền Bắc đã tích cực tham gia xây dựng những “Cánh đồng 5 tấn”, “Phụ lão ba giỏi”, xung phong vào các đội “Bạch đầu quân”…

Kiểm tra sức khỏe cho người già tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Kiểm tra sức khỏe cho người già tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội). Ảnh: hanoimoi.com.vn

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người cao tuổi đã đem bầu nhiệt huyết đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng, giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Trong sự nghiệp đổi mới, người cao tuổi là lớp người đi đầu trong khai phá, góp phần quyết định tạo ra những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đất nước; hàng vạn người cao tuổi đang tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa bàn dân cư...

Chăm sóc, bảo vệ, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực người cao tuổi là một chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Trong Chỉ thị 59-CT/TW về “Chăm sóc người cao tuổi”, Đảng ta đã chỉ rõ: “Việc chăm lo vật chất, tinh thần cho người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Chăm sóc và phát huy tốt người cao tuổi là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ và đạo đức của người Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Phát huy mạnh mẽ vai trò người cao tuổi, thông qua phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Hội Người cao tuổi đã có những đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào các hoạt động chủ yếu: “Nêu gương sáng xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng gia đình hiếu học, xây dựng xã hội học tập, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền…, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt là hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, những năm qua nhiều Hội Người cao tuổi ở cơ sở hăng hái tham gia học tập, thi kể chuyện Bác Hồ, xây dựng “Văn hóa người cao tuổi”, làm theo tấm gương đạo đức của Bác và vận động, giáo dục con cháu, dòng họ cùng thực hiện.

Những cống hiến to lớn của lớp lớp người cao tuổi Việt Nam đã tạo nên bề dày truyền thống vẻ vang gắn liền với tiến trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, như Đảng ta đánh giá: “Người cao tuổi Việt Nam là lớp người có vai trò, vị trí quan trọng đối với gia đình và xã hội, đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”.

Chăm lo, quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất của lớp người cao tuổi là bổn phận và trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đó cũng đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được giữ gìn và phát huy.

NGUYỄN THANH HOÀNG

.
.
.