Dấu ấn công tác Dân vận qua hiến đất làm đường
Trong những năm qua, công tác Dân vận ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều mô hình mang lại lợi ích xã hội cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một trong những mô hình nổi bật, có sức lan tỏa sâu rộng là mô hình vận động nhân dân hiến đất làm đường.
Con đường liên ấp Tân Vinh - Tân Quới (Tân Hòa Thành, Tân Phước) đang trong giai đoạn thi công, chờ lún. Trước kia, con đường này chỉ rộng 1,5m, chiều dài khoảng 2,3km, trải đá dăm. Theo thiết kế, tuyến đường được mở rộng 2,5m, trải nhựa.
Để mở rộng tuyến đường này, hàng chục hộ dân 2 bên đường bị ảnh hưởng do mất đất. Khi triển khai thực hiện, hầu hết nhân dân 2 ấp Tân Vinh và Tân Quới đều đồng thuận hiến đất để làm đường. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ yêu cầu bồi thường đất, cây ăn trái…; hoặc yêu cầu hỗ trợ chi phí đốn cây, di dời hàng rào…
Chú Nguyễn Văn Oanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Tân Vinh, xã Tân Hòa Thành phấn khởi cho biết: Khi triển khai thực hiện tuyến đường này, ấp Tân Vinh có 21 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 4 hộ không đồng thuận.
Trước tình hình đó, cán bộ ấp phải nêu gương bàn giao mặt bằng trước, sau đó phát động ra nhân dân. Đối với các hộ chưa đồng thuận, xem chủ hộ và các thành viên trong gia đình tham gia hội, đoàn thể nào thì giao cho hội và đoàn thể đó đến vận động.
Chính vì vậy, chỉ trong 20 ngày, các hộ trong ấp Tân Vinh đều đồng tình đốn cây, dời hàng rào để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ông Mai Văn Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa Thành phấn khởi: Từ khi xã bắt tay xây dựng nông thôn mới, nhờ làm tốt công tác Dân vận mà 100% hộ dân bị ảnh hưởng đều đồng thuận với chủ trương của xã, tự nguyện hiến đất để làm đường.
Cán bộ Dân vận của tỉnh, xã Tân Hòa Thành và ấp Tân Vinh trao đổi với hộ dân tự nguyện hiến đất, di dời hàng rào kiên cố để làm đường. |
Tuyến đường huyện 87 đi qua ấp Bình Phong (Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) đang được thi công, rộng 5,5m, trải nhựa, lề mỗi bên 2,5m; trước kia chỉ rộng 1,5m, trải đá. Do mở rộng từ 1,5 lên 5,5m (chưa tính 2 bên lề) nên diện tích đất của dân bị ảnh hưởng rất lớn, trong đó có một số hộ mất từ vài trăm m2 đến hơn 1.000m2. Chính vì vậy, khi triển khai chủ trương mở rộng tuyến đường, một số hộ yêu cầu hỗ trợ chi phí di dời hàng rào, hoa kiểng…
Tuy nhiên, sau khi triển khai công tác Dân vận thì 60 hộ bị ảnh hưởng đều đồng thuận, không còn hộ nào kỳ kèo.
Bà Lê Thị Ngọc Thu, Bí thư Chi bộ ấp Bình Phong nêu biện pháp thực hiện: Trước khi triển khai dự án, ấp tổ chức họp dân, sau đó họp đảng viên, đoàn viên, hội viên để quán triệt chủ trương và thành lập tổ vận động, với sự tham gia của các thành phần: Mặt trận Tổ quốc xã, Ban Công tác Mặt trận ấp, đoàn thể ấp đến vận động từng nhà.
Bên cạnh đó, cán bộ phải nêu gương thực hiện trước. Khi triển khai xây dựng tuyến đường huyện 87, Trưởng ấp (Nguyễn Văn Út) bị ảnh hưởng khoảng 1.300 m2, nhưng đã làm gương bàn giao mặt bằng trước, từ đó tác động rất lớn đến các hộ khác.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Mỹ Chánh Đào Ngọc Thi cho biết: Từ đầu năm đến nay, xã đã và đang xây dựng, nâng cấp, mở rộng 5 tuyến đường giao thông nông thôn, với khoảng 400 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 2 tuyến vận động dân tự đóng góp để sửa chữa, nâng cấp.
Khi triển khai thực hiện các công trình này thì có khoảng 10% hộ do dự, kỳ kèo yêu cầu hỗ trợ di dời vật kiến trúc, hoa kiểng… Ủy ban MTTQ xã đã thành lập tổ vận động của từng tuyến đường. Các thành viên trong tổ vận động đi đến các gia đình còn kỳ kèo để kiên trì giải thích về lợi ích của việc mở rộng đường theo phương châm dân biết và nghe dân bàn, dân làm và kiểm tra công trình…
Ông Bùi Thái Sơn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ: Trong thời gian qua, công tác Dân vận ngày càng đi vào chiều sâu, sát với yêu cầu thực tế. Hệ thống Dân vận các cấp đã tuyên truyền, vận động làm cho nhân dân thấu hiểu lợi ích khi mở rộng, nâng cấp đường thì dân sẽ đồng thuận và hiến đất để làm đường.
NGUYÊN CHƯƠNG