Thứ Hai, 29/10/2012, 10:18 (GMT+7)
.
Ông Huỳnh Văn Tính, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang:

Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung 6 vấn đề của Luật Điện lực

Buổi chiều ngày 23-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Tham gia phát biểu ý kiến, ông Huỳnh Văn Tính, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang (ảnh) đề nghị Quốc hội xem xét những vấn đề cụ thể như sau:

Một là, cần thiết quy định việc quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch chuyên ngành. Do vậy, để việc quy hoạch đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và đảm bảo tính khả thi thì việc thực hiện quy hoạch chỉ bao gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh.

Khi đó, UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức quy hoạch chi tiết phát triển điện lực cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch chung về phát triển điện lực quốc gia trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND cấp tỉnh sẽ công bố, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh đã được phê duyệt. Đồng thời, thống nhất với chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm và có định hướng cho 20 năm tiếp theo phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương.

Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển điện lực, đề nghị cần thiết nên quy định cụ thể về nguồn lực thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, xóa bỏ tình trạng quy hoạch treo.

Hai là, thống nhất cao với ý kiến giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, việc không thu loại phí điều tiết hoạt động của điện lực là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, sẽ giảm áp lực về giá điện đối với người dân trong điều kiện kinh tế khó khăn chung hiện nay.

Ba là, về thanh toán tiền điện, đề nghị dự án Luật nên bổ sung nội dung quy định khuyến khích áp dụng hình thức thanh toán tiền điện thông qua hình thức dịch vụ của hệ thống ngân hàng, nhằm giúp khách hàng chủ động hơn về thời gian, có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi hoặc ủy quyền cho ngân hàng tự động trích số dư tài khoản để thanh toán tiền điện.

Riêng đối với các tổ chức, đơn vị thực hiện kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng truyền thông thì công tác quản lý, sử dụng hóa đơn, kê khai, trả tiền điện cần thiết nên thực hiện hoạt động giao dịch với cơ quan quản lý thu tiền điện thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật giao dịch điện tử và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thực hiện vấn đề này.

Bốn là, đề nghị dự thảo Luật nên quy định cụ thể việc Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt nên thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho từng hộ gia đình thuộc diện chính sách xã hội, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Như thế việc thực hiện sẽ đảm bảo được hiệu quả, người dân sẽ có ý thức sử dụng điện tiết kiệm, bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Năm là, việc quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho đơn vị điện lực hoạt động tại khu vực mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế là khó khả thi. Bởi lẽ, thực tế hiện nay, ở các vùng mà đơn vị điện lực nhận thấy việc đầu tư không có hiệu quả thì họ sẽ từ chối đầu tư, ngay cả khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho họ.

Do đó, hiện nay việc đầu tư lưới điện ở các nơi này rất chậm, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vì vậy, đề nghị cần phải xem xét, sửa đổi quy định này cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi, cụ thể như sau: “Việc đầu tư phát triển lưới điện ở những khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi không có hiệu quả kinh tế, các khu vực quốc phòng được thực hiện bằng 100% vốn ngân sách Nhà nước”.

Sáu là, đề nghị dự thảo Luật cần thiết bổ sung quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Công thương có trách nhiệm thực hiện các giải pháp về vốn để thực hiện quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt (cả quy hoạch cấp Trung ương và cấp tỉnh).

Bởi lẽ, Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch mà không gắn với các giải pháp về vốn thì không đảm bảo tính khả thi đối với quy hoạch, khi đó các quy hoạch được phê duyệt sẽ trở thành quy hoạch treo, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.