Thủ tướng nhận lỗi về những khuyết điểm của Chính phủ
Sáng nay (22-10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013 trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo kinh tế - xã hội trước Quốc hội sáng 22-10. Ảnh: Quang Khánh |
Theo dự kiến, chỉ số giá tiêu dùng cả năm sẽ được kiềm chế ở mức 8%. Bội chi ngân sách dự kiến ở mức 4,8%. GDP cả năm cũng được dự kiến ở mức 5,2%. Trong 15 chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra, có 5 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tạo việc làm, giảm hộ nghèo và che phủ rừng.
Thủ tướng đánh giá, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác lãnh đạo điều hành đã bám sát mục tiêu, đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khó khăn của nền kinh tế còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều.
Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu. Nợ xấu của ngân hàng chậm được giải quyết. Khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, nhiều DN đã phải giải thể. Sức mua của thị trường thấp, tồn kho của nhiều ngành còn cao. Thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một số Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước hoạt động hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Tái cơ cấu Vinashin còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đáng chú ý, Chính phủ thẳng thắn thừa nhận kỷ cương hành chính chưa nghiêm, công tác kiểm tra, giám sát còn yếu kém, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái, không làm tròn trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực, ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân.
Xử nghiêm các vụ tham nhũng
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, nhưng nhiều chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, vẫn phải dành nhiều nguồn lực để bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội...
Thủ tướng cho biết, công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin mạng, blog cá nhân chưa tốt, còn bị các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, xuyên tạc, gây tác hại xấu. |
Mục tiêu tổng quát cho năm tới là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn. Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Để đạt mục tiêu nêu trên, Chính phủ đề ra 9 nhóm giải pháp: Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội; chống tham nhũng và tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội…
Về các giải pháp tiền tệ, Chính phủ xác định phải cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại các tổ chức tài chính, tín dụng yếu kém. Kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật trong tài chính, ngân hàng. Đẩy nhanh xử lý nợ xấu, rà soát các khoản nợ. Khôi phục thị trường bất động sản và nghiên cứu lập công ty xử lý nợ.
Thủ tướng cũng cho hay, sẽ xử lý nợ giữa ngân sách với các DN, nợ chéo giữa các DN với nhau. Đồng thời có giải pháp giải quyết hàng tồn kho. Đẩy mạnh tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh việc tái cơ cấu Vinashin và Vinalines.
Thủ tướng cũng nêu rõ quyết tâm tạo chuyển biến trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý với đất đai, tài nguyên.
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ quyết tâm đẩy lùi nạn tham nhũng trong các lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, tín dụng, quản lý thu chi ngân sách, quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong DN nhà nước, công tác cán bộ, quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với dân... Xử lý nghiêm minh và công khai kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng.
Thành khẩn nhìn nhận khuyết điểm
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng thừa nhận: Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. "Tập thể Ban cán sự Đảng và từng đồng chí chúng tôi đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành, cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Với trọng trách là ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước. Một số đơn vị điển hình là Vinashin và Vinalines đã sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước.
Chính phủ, Thủ tướng và từng thành viên sẽ nghiêm túc với mình, đoàn kết, hết lòng làm việc, để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc, nhân dân, vì Đảng, chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Chính phủ mong nhận được sự giám sát của toàn thể Quốc hội, đồng bào, nhân dân cả nước - Thủ tướng bày tỏ.
(Theo vietnamnet)