Thứ Hai, 29/10/2012, 10:19 (GMT+7)
.

Tọa đàm khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Trình bày tham luận tại tọa đàm, Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, chuyên gia về luật pháp quốc tế khẳng định, vấn đề Biển Đông hiện nay đang được dư luận quốc tế quan tâm sâu sắc. Trong đó, với quan điểm ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố ứng xử giữa các nước trên Biển Đông (DOC). Việt Nam đã và đang giành được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, ngay cả chính giới học giả của Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tuần tra trên đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa)
Tuần tra trên đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa).

 "Được quốc tế ủng hộ, tại sao Việt Nam không đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra tòa án quốc tế để giải quyết ?”.
 
Với câu hỏi này, Tiến sĩ Ngô Hữu Phước chia sẻ, vấn đề giải quyết tranh chấp tại một tòa án quốc tế khó có thể giải quyết đơn phương (tức một nước có đề nghị), mà trên cơ sở các nước cùng có đồng thuận giải quyết tranh chấp tại một tòa án quốc tế và phải chấp thuận, có thiện chí thực hiện tuyên án cuối cùng của tòa.
 
Xung quanh nhiều đồng thuận của sinh viên đối với câu nói xúc động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về chủ quyền đất nước: "Trong công cuộc trị quốc phải hết sức bình tĩnh; có trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh, chứ không phải tim lạnh mà đầu nóng thì sẽ nguy hiểm cho đất nước”, Tiến sĩ Nguyễn Nhã khẳng định, nhân dân nói chung, đặc biệt là các bạn trẻ cần tin tưởng, mọi bước đi cụ thể, với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước đã được Đảng và Nhà nước định hướng, quan điểm nhất quán.

"Tuy nhiên, với tư cách là một học giả tôi sẽ tiếp tục kiến nghị, có ý kiến cụ thể tại các hội thảo và tọa đàm về chủ đề này, rằng: Đã đến lúc chúng ta không nên né tránh về vấn đề chủ quyền” - Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhấn mạnh.
 
Đối với chủ đề được nhiều bạn trẻ quan tâm "Thanh niên, sinh viên Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, anh Nguyễn Thành Bá Đại (Bí thư Đoàn trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh) góp ý: "Với kinh nghiệm của một người gắn bó với công tác Đoàn, tiếp nhận không ít tâm tư, suy nghĩ riêng của các bạn, tôi cho rằng, một hành động yêu nước là tập trung vào học tập, cống hiến trí tuệ và đóng góp cho đất nước. Đó cũng chính là thể hiện lòng yêu nước, với sự chia sẻ trách nhiệm thiết thực, hiệu quả nhất”.
 
Tiếp lời đại diện Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng tâm tư: "Tôi tha thiết đề nghị các bạn trẻ hãy là một trí thức thông minh để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Vì rằng, chính các bạn là tương lai của đất nước”.
 
Tại buổi tọa đàm, hơn 500 sinh viên, thanh niên TP.Hồ Chí Minh cũng được nghe PGS.TS Hà Minh Hồng (Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh) trình bày những nét khái quát về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

(Theo daidoanket.vn)

.
.
.