6 giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật giải quyết khiếu nại đất đai
Trong phiên làm việc của Quốc hội, tại Hội trường để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Đây là nội dung Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao tại kỳ họp thứ tư.
Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang (ảnh) cơ bản nhất trí với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Theo số liệu thống kê, trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo hàng năm các cơ quan hành chính nhà nước nhận được có khoảng 70% là đơn khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai. Từ thực tế đó, cần phải được xem xét ở cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
VỀ NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN
Một là, Luật đất đai còn các quy định khó thực hiện trong thực tế, như giá đất của nhà nước phải đảm bảo sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, trong điều kiện bình thường khi có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thực tế thị trường thì phải điều chỉnh cho phù hợp nhưng Luật không đưa ra các tiêu chí cụ thể và không có cơ sở pháp lý phù hợp để xác định giá đất của nhà nước sát với giá thị trường.
Vì vậy, khi thực hiện đền bù về đất ở các dự án đều bị vướng khung giá đất do nhà nước quy định thường thấp hơn rất xa so với giá giao dịch thực tế mà người dân gọi là giá thị trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của công dân đòi bồi thường sát giá thị trường, địa phương khó giải quyết.
Hai là, theo quy định của Luật Đất đai vào ngày 1-1 hàng năm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành khung giá đất mới. Quy định này cũng gặp vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, vì đối với các dự án quy hoạch được thực hiện kéo dài nhiều năm, nhiều người dân trong vùng quy hoạch cố tình trì hoãn không thực hiện quyết định thu hồi đất nhằm kéo dài thời gian để chờ ban hành khung giá đất mới cao hơn hoặc để được hưởng hệ số trượt giá.
Ba là, hệ thống pháp luật quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, thiếu đồng bộ; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Đất đai có các quy định không thống nhất trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về mối quan hệ trong giải quyết khiếu nại tranh chấp giữa cơ quan hành chính và Tòa án nhân dân, giữa bộ quản lý chuyên ngành và Thanh tra Chính phủ.
Bốn là, nhận thức và hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, có người khiếu kiện tuy được giải thích rõ nhưng họ không chấp nhận kết luận và quyết định giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiếp tục khiếu nại lên cấp trên.
Trong khi đó có một số người lợi dụng dân chủ và quyền khiếu nại tố cáo, cò mồi, dẫn dắt, lôi kéo, tụ tập đông người để đi khiếu nại làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội lại chưa được xem xét xử lý nghiêm minh.
Năm là, việc miễn phí trong việc giải quyết khiếu nại làm cho khiếu nại cầu may phát sinh nhiều.
VỀ NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN
Một là, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân chưa rộng khắp và đi vào chiều sâu, nhất là chính sách pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong quá trình chuẩn bị dự án chưa tốt, thiếu công khai rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân.
Hai là, việc hòa giải cơ sở là bắt buộc theo quy định của pháp luật, nhưng có địa phương không tổ chức hòa giải hoặc kéo dài thời gian hòa giải gây phiền hà cho người dân. Cán bộ làm công tác hòa giải chưa được quan tâm và bồi dưỡng về trình độ, kiến thức pháp luật nên chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của mình.
Ba là, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ của cá nhân, cơ quan làm tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp từ khâu lập quy hoạch, công bố quy hoạch thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải tỏa còn nhiều hạn chế, hoặc mỗi lần khiếu kiện gay gắt thì lại điều chỉnh xác định lại loại đất, hạng đất.
Vận dụng các chính sách hỗ trợ bổ sung thêm, có người được bổ sung nhiều lần tạo tâm lý hoài nghi, thiếu tin tưởng chính quyền địa phương và tạo tâm lý cho người khiếu nại càng khiếu nại càng được. Một bộ phận cán bộ, công chức có hành vi vụ lợi trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai, nhũng nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Bốn là, việc hỗ trợ bằng tiền để các hộ bị giải tỏa trắng tự tìm chỗ ở mới nhưng giá bồi thường và hỗ trợ không đủ cho dân mua lại diện tích đất cùng loại cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại của người dân.
Năm là, mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tiếp nhận xử lý đơn thư chưa tốt, có trường hợp cấp dưới phải giải quyết đã giải quyết đúng pháp luật hết thẩm quyền nhưng khi người dân gửi đơn lên cấp trên thì được hướng dẫn hoặc chuyển về địa phương làm cho người dân khiếu nại gay gắt hơn.
Sáu là, việc thực hiện quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật còn thiếu kiên quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, khiếu kiện kéo dài.
KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP
Từ thực trạng trên các ngành, các cấp phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, nhưng đề nghị các cơ quan chức năng các cấp cần quan tâm đến các giải pháp sau đây:
Một, hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó có pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, Khóa IX và Kết luận của Hội nghị Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XI về đất đai. Trong đó, cần thể hiện rõ nhà nước chủ động thu hồi đất, về giá đất như nhà nước quy định phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Hai, rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định có liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai giữa Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức có trách nhiệm; kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê nhưng không đúng đối tượng, không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm về đất đai và những vụ việc tham nhũng về đất đai của cán bộ, công chức.
Bốn, việc thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải dân chủ, công khai, đúng chính sách pháp luật, sát thực tế và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, đồng thuận, tự giác chấp hành. Trường hợp phải buộc, phải cưỡng chế thì phải có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Năm, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước phải thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ nơi phát sinh vụ việc.
Sáu, quan tâm rà soát vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, quá trình giải quyết phải tổ chức đối thoại công khai, dân chủ, giải quyết có lý, có tình và có tính khả thi. Đề cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, nhất là vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam trong quá trình tham gia giải quyết khiếu kiện, tố cáo.
Ngoài ra, việc giải quyết tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai cần phải được quan tâm khắc phục từ hai phía, cả chính sách pháp luật và khâu tổ chức thực hiện. Phải khắc phục pháp luật không còn mâu thuẫn, chồng chéo và khâu tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, minh bạch, công bằng.
Chính quyền cơ sở phải tâm huyết, năng động và chính quyền cấp trên biết lắng nghe để việc ban hành chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống và phù hợp lòng dân, khi chính quyền cơ sở làm tốt nhiệm vụ của mình thì khiếu nại, tố cáo sẽ giảm.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)