Hoàn thành một số hạng mục Khu Trung tâm huyện mới vào năm 2015
Khu trung tâm huyện (thuộc địa phận xã Phú Thạnh hiện nay) được quy hoạch trên diện tích 38 ha, trong đó khu vực đầu tư xây dựng hạ tầng trên 22 ha với nhiều khu chức năng. Theo đó, khu hành chính huyện có diện tích 5 ha (Khối Đảng, Khối vận, UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn trực thuộc, hội trường - nhà khách).
Phối cảnh khối nhà làm việc khu hành chính huyện. |
Khối cơ quan ngành dọc trên 3,4 ha được phân thành 17 lô, bố trí thành 2 khu ở hai bên đoạn giữa đường trục trung tâm (hiện đã bố trí 10 cơ quan, các lô còn lại để dự trữ). Khu dịch vụ trên 1,5 ha, được phân thành 10 lô, bố trí 2 bên đoạn đầu đường trục trung tâm, tạo nên bộ mặt cho khu trung tâm; đồng thời khai thác lợi thế về vị trí để kinh doanh.
Hiện nay, huyện đã bố trí cho 3 đơn vị trong khu dịch vụ này (bưu điện, viễn thông và ngân hàng chính sách xã hội), các lô còn lại để dự trữ (khi các cơ quan, đơn vị đăng ký, căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của đơn vị và quỹ đất hiện có, UBND huyện và các cơ quan hữu quan xem xét, cấp cho đơn vị 1 hay vài lô để xây dựng trụ sở làm việc và khai thác kinh doanh trong mỗi khu vực).
Nhóm nhà ở có diện tích 4,8 ha gồm 12 lô phố với 307 lô nhà ở, bố trí thành từng nhóm nhà xung quanh với các dạng nhà liên kế và nhà có sân vườn. Ngoài ra, còn có cây xanh trồng theo lề đường, cây xanh trong khuôn viên các công trình, nhà ở và cây xanh theo dãy phân cách giữa các dãy nhà. Và hệ thống giao thông chiếm 6,7 ha gồm các đường, vĩa hè, hẻm kỹ thuật.
Bắt tay xây dựng khu trung tâm, tháng 3-2012, Tân Phú Đông thành lập Ban Chỉ đạo Dự án Hạ tầng Khu trung tâm huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; xúc tiến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân trong vùng dự án. Trong năm 2012, Trung ương cũng đã phân bổ vốn hỗ trợ 25 tỷ đồng cho huyện (hỗ trợ thuộc diện huyện đặc biệt khó khăn) để thực hiện bồi thường, giải tỏa khu trung tâm.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết, qua triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dân, bước đầu, huyện đang gặp một số vấn đề cần giải quyết. Đó là khu vực thực hiện dự án có trên 100 hộ đang sinh sống, sản xuất thuộc diện phải bồi thường, giải tỏa.
Sau thời gian triển khai mức áp giá bồi thường, có 46 hộ gửi đơn khiếu nại cho rằng giá áp thấp hơn giá đã được tính toán theo quy định của Nhà nước và đề nghị tăng giá đền bù. Giải quyết vấn đề này, huyện đã thành lập 3 tổ công tác đến tận nơi để vận động, giải thích với người dân; đồng thời, các cơ quan chức năng tiến hành giải quyết, trả lời các khiếu nại trên theo trình tự thủ tục, tổ chức đối thoại...
Bên cạnh đó, vốn phục vụ cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân cũng đang gặp khó khăn. Theo tính toán, tổng số vốn phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân trong vùng thực hiện dự án khoảng 88 tỷ đồng, trong khi đó, năm 2012 Trung ương chỉ cấp 25 tỷ đồng.
Vì thế, qua công tác vận động, việc áp giá đền bù giữa người dân và chủ đầu tư được thống nhất, số vốn trên sẽ không đủ chi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân một lần trước năm 2013 như kế hoạch. Việc chi trả bồi thường kéo dài dễ gặp rắc rối (dân yêu cầu thay đổi mức giá đền bù, dễ dẫn đến so bì giữa các hộ dân), ảnh hưởng đến việc triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của khu trung tâm (xây dựng hạ tầng).
Trước khó khăn trên, vừa qua, UBND huyện Tân Phú Đông đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho ứng trước vốn ngân sách Trung ương năm 2013 để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một lần cho người dân vào cuối năm nay.
Đối với tiến độ triển khai giai đoạn 2 của dự án, đơn vị tư vấn đã lập dự án thành phần thứ 2, đang lấy ý kiến các ngành chức năng để hoàn thiện và sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2012. Tổng vốn thực hiện giai đoạn này dự kiến khoảng 112 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2016.
Song song với quá trình xây dựng hạ tầng, huyện cũng sẽ cố gắng triển khai sớm dự án xây dựng khu hành chính. Dự án này có vốn đầu tư 120 tỷ đồng và đang trong giai đoạn lựa chọn phương án thiết kế.
“Tổng vốn đầu tư cho khu trung tâm trên 200 tỷ đồng. Trong khi đó trung bình mỗi năm Trung ương cấp cho huyện không quá 30 tỷ đồng để thực hiện. Với nguồn vốn như thế, khu trung tâm huyện phải thực hiện đến 8 năm mới hoàn thành. Trong khi nhu cầu hoàn thành sớm khu trung tâm rất cấp thiết, nhất là trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị chức năng”- ông Đoàn bày tỏ.
Sau gần 5 năm thành lập, các cơ quan chức năng của huyện vẫn hoạt động trong các trụ sở tạm, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của các đơn vị. Nhiều cơ quan, đơn vị đã có dự án đầu tư trụ sở làm việc nhưng chưa thể triển khai vì chưa có đất.
Giải quyết trụ sở làm việc ổn định cho các cơ quan chức năng là một trong những công việc ưu tiên của huyện. Việc triển khai xây dựng khu trung tâm bên cạnh nhằm tạo quỹ đất, cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu bố trí, xây dựng trụ sở cơ quan, đơn vị và dân cư lân cận còn góp phần từng bước định hình và phát triển Khu trung tâm huyện và thị trấn trong tương lai theo định hướng quy hoạch.
N.VĂN