Thứ Sáu, 02/11/2012, 09:47 (GMT+7)
.

Luật Đất đai (sửa đổi) có lợi cho dân hơn

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trao đổi với báo chí xung quanh một số vấn đề dư luận quan tâm về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. Ảnh: nongnghiep.vn
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. Ảnh: nongnghiep.vn

P.V: Thưa Bộ trưởng, Luật Đất đai mới sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc nào về đất đai hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:

Dự thảo lần này đặt ra các mục tiêu sau: Thứ nhất là đất phải được sử dụng hiệu quả hơn, việc 20.000 ha đất đang bỏ trống hiện nay sẽ bàn phương án để xử lý.

Thứ hai là trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, người dân có lợi hơn; hài hòa lợi ích giữa người có đất, Nhà nước và doanh nghiệp.

Thứ ba là giảm khiếu kiện và tham nhũng về đất đai.

P.V: Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho biết có một số ý kiến đề nghị bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp (được quy định là 50 năm theo dự thảo). Xin Bộ trưởng nói thêm về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Hiện nay, đất trồng cây hàng năm được giao 20 năm; còn đất trồng cây lâu năm được giao 50 năm. Việc phân định như vậy là dựa theo chu kỳ sản xuất. Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu cho thấy, giao đất thời hạn 20 năm cho cây hàng năm là ngắn, nếu thu hồi đất theo như kế hoạch vào năm 2013 thì thủ tục rất phức tạp. Vì vậy, thời hạn giao loại đất này được nâng lên 50 năm.

Nếu giao đất không có thời hạn thì người dân sẽ yên tâm hơn nhưng dù giao có thời hạn thì người dân cũng có thể yên tâm vì với diện tích đất nông nghiệp được giao, nếu không có vấn đề gì thì vẫn tiếp tục giao cho người dân sử dụng.

P.V: Thưa Bộ trưởng, vì sao dự thảo vẫn quy định hạn mức giao và hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tùy vào từng khu vực sẽ có diện tích giao khác nhau nhưng phải có khung quy định chung để quản lý. Còn hạn mức chuyển nhượng lại liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất, góp phần hình thành sản xuất quy mô lớn.

Tuy nhiên, về mặt xã hội, nếu để một bộ phận tích tụ diện tích lớn sẽ làm bần cùng hóa một bộ phận nông dân. Quy định diện tích như trong dự thảo tôi cho là hợp lý. Còn để điều chỉnh diện tích đất nông nghiệp sau này có thể sử dụng công cụ thuế để điều tiết.

P.V: Trong dự thảo có đưa ra 4 phương pháp xác định giá đất và giao cho Chính phủ quy định. Vậy cách thức xác định giá đất tới đây sẽ được quy định như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trước đây, khung giá đất chỉ quy định cho các vùng đồng bằng, trung du và miền núi, còn dự thảo mới sẽ quy định “dày” hơn, chi tiết hơn, chẳng hạn: quy định ban hành khung giá cho khu vực giáp ranh giữa các địa phương, đảm bảo độ chính xác hơn. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xây dựng bảng giá đất trên địa bàn.

Hiện có ý kiến cho rằng, bảng giá sẽ gồm nhiều nội dung, cả các loại phí và lệ phí khác. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bảng giá này chỉ tính một số nội dung; nội dung khác sẽ có giá riêng khi bồi thường. Các vấn đề này sẽ được quy định trong các Nghị định, không thể quy định hết trong luật.

P.V: Vấn đề nhiều người dân đòi hỏi là việc phân định dự án công ích và dự án của doanh nghiệp cần rõ ràng. Điều này sẽ được giải quyết thế nào trong Luật, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đúng là vấn đề này cần phân định rõ. Dự án dành cho quốc phòng dễ xác định nhưng dự án vì mục đích công cộng ra sao sẽ có quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ. Còn trong luật sẽ chỉ quy định về nguyên tắc.

(Theo chinhphu)

.
.
.