Thứ Tư, 14/11/2012, 12:19 (GMT+7)
.

Quốc hội với quyết sách chống “giặc nội xâm”

Hai ngày cuối tuần qua (9 và 10-11) diễn đàn Quốc hội (QH) sôi nổi với các ý kiến thảo luận của các đại biểu về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Cả hai ngày thảo luận đều họp toàn thể tại hội trường, được truyền hình, truyền thanh trực tiếp nên có rất nhiều khán, thính giả theo dõi.

Trước nay, khi nói về nguyên nhân chưa ngăn chặn, đẩy lùi được nạn tham nhũng, tôi thường thấy cách lý giải sau đây: Đất nước còn nghèo, chưa thể trả lương đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho người hưởng lương; mặt trái của kinh tế thị trường (con người trở nên thực dụng, chạy theo đồng tiền, phai nhạt đạo lý, lý tưởng cách mạng…).

Có thể coi đó là nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan là do công tác văn hóa, giáo dục của ta đạt hiệu quả thấp, nhất là giáo dục về đạo đức, lý tưởng cách mạng, luật pháp; luật pháp của ta chưa đầy đủ nhưng những văn bản luật đã có chưa được thực hiện kiên quyết, chưa xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật.

Các nguyên nhân trên đều có lý, ở các nước có nạn tham nhũng hoành hành chắc cũng do những nguyên nhân tương tự. Nhưng ở nước ta thì đây là điều nghịch lý lớn. Không thể đánh đồng giữa nước ta với các nước, bởi:

- Nước ta có Đảng Cộng sản chân chính và quang vinh lãnh đạo. Đó là Đảng do Bác Hồ -  lãnh tụ thiên tài của Đảng và của dân tộc, được thế giới vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất -  sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.

Trong các giai đoạn cách mạng trước đây, nhất là trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, dù trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, Đảng ta vẫn là Đảng anh hùng, tiên phong, cùng Bác Hồ lãnh đạo nhân dân ta và quân đội ta chiến thắng mọi kẻ thù hung ác, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân dân ta trở thành nhân dân anh hùng, quân đội ta nổi tiếng quân đội anh hùng.

- Nước ta là nước Xã hội chủ nghĩa, tuy mới ở chặng đường đầu tiên của thời ký quá độ, nhưng đã bắt đầu thiết lập nền tảng hướng tới một chế độ tiên tiến, một xã hội ưu việt.

- Đảng ta, nhân dân ta có tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để học tập và làm theo...

Tất cả những nhân tố kể trên là vô giá và nhờ đó cũng đã đưa nước ta vượt qua nhiều thách thức gay gắt, hiểm nghèo, thực hiện công cuộc đổi mới thành công bước đầu, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi, sức mạnh về mọi mặt của đất nước được tăng cường…

Nhưng hạn chế, yếu kém, khuyết điểm vẫn còn nhiều, trong đó “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng” (1).

Điều không thể chấp nhận được trong chế độ ta về mặt lý thuyết, đã xảy ra trên thực tế. Từ bức xúc đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ra đời. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thay đổi người đứng đầu ở Trung ương, khôi phục Ban Nội chính Trung ương. QH đang họp, thảo luận và sẽ thông qua ngay trong kỳ họp này dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn…

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn QH: “Bảy năm trước, khi QH thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng thì mọi người đều phấn khởi, hy vọng rằng chúng ta rèn một thanh “thượng phương bảo kiếm” để phen này dẹp tan quốc nạn… Còn nhớ hồi đó tôi có rút tít cho bài phát biểu của mình bằng câu điệp khúc thiêng liêng “Đấu tranh này là trận cuối cùng”. Vậy mà trận cuối cùng trường kỳ đã bảy năm vẫn chưa có thành quả…” (2).

Và tôi xin ghi lại câu nói của đại biểu Trần Đình Nhã: “Tham nhũng đã thách thức QH - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nguy hiểm hơn, tham nhũng còn thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân, đánh vào tình cảm, niềm tin và danh dự của nhân dân”.

Chúng ta không có ảo tưởng tiêu diệt tham nhũng sạch sành sanh, chỉ là ngăn chặn và đẩy lùi để thừa thắng xông lên. Vậy cũng được coi là “trận cuối cùng” rồi.

TRẦN  QUÂN

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật Hà Nội 2011, tr.185.  
(2) Tuổi Trẻ 10-11-2012, tr.1.

.
.
.