Thứ Năm, 08/11/2012, 08:44 (GMT+7)
.

Sửa Hiến pháp để toàn dân quyết định

Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp nhấn mạnh một số yêu cầu với các đại biểu trong quá trình góp ý cho việc sửa đổi.

Việc hệ trọng quốc gia

Chủ tịch QH nói, sửa Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia. Do đó, vai trò của QH có ý nghĩa quan trọng, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghiên cứu xem xét thận trọng để nêu ý kiến.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng (trái): Hiến pháp đã xác định rõ mọi quyền lực đều nằm ở nơi dân
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Hiến pháp đã xác định rõ mọi quyền lực đều nằm ở nơi dân

Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh một số nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này.

- Thứ nhất, ban soạn thảo vẫn thống nhất giữ nguyên điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng, có bổ sung để làm sâu sắc thêm.

Theo đó, điều 4 xác định: "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Theo Chủ tịch QH, đây là những điểm rất mới, được thống nhất rút ra sau quá trình thảo luận. Thứ tự một số điều khoản khác trong Hiến pháp có thể thay đổi, riêng vị trí của "điều 4" vẫn phải được giữ nguyên.

- Vấn đề thứ hai, chương về "quyền và nghĩa vụ công dân" cũng được mở rộng hơn theo hướng tăng thêm và mở rộng thêm quyền con người. Đây là một chương quan trọng trong Hiến pháp. Do đó, chương này trong Hiến pháp được đổi tên thành: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và được đưa lên vị trí thứ hai, sau chương Chế độ chính trị.

Cũng theo Chủ tịch QH, khi xác định mối quan hệ giữa hành pháp, tư pháp, lập pháp, ban soạn thảo đã nhấn mạnh thêm khía cạnh "ba quyền này hoạt động trong một thể thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát lẫn nhau".  

Ngoài ra, Hiến pháp cũng bổ sung một số nội dung mới cho các định chế Chủ tịch nước, định chế Viện kiểm sát, Kiểm toán, Hội đồng bầu cử...  Tất nhiên, những định chế này cũng nằm trong cùng một thể thống nhất đó.

Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, Hiến pháp đã xác định rõ mọi quyền lực đều nằm ở nơi dân. Dân ủy quyền cho QH, dân cũng đặt ra các định chế cho Nhà nước nên tất cả đều phải chịu sự giám sát của dân, kể cả tổ chức đảng và đảng viên.

Bản Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ là khung cơ bản thể hiện rõ quyền lực của dân, của các định chế chính trị. Tiếp đó, những vấn đề cụ thể sẽ dần được luật hóa.

Sẽ để toàn dân quyết định

Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp cũng lưu ý "giao việc" cho các ĐBQH từ nay đến khi thông qua Hiến pháp. Trước hết là thực hiện Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân. Theo Chủ tịch QH, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức lấy ý kiến dân, sau đó sẽ tiếp thu hoàn chỉnh đưa ra trước toàn dân và sẽ báo cáo QH ý kiến toàn dân.

Sau đó, các ý kiến của dân cũng như của ĐBQH sẽ được toàn thể QH thảo luận kỹ càng để cuối năm 2013 thông qua Hiến pháp sửa đổi. Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, mỗi ĐBQH phải nghe được ý kiến của dân, các chuyên gia, nhà khoa học, của địa phương và tổng hợp thành ý kiến riêng của mình. Sau khi lấy ý kiến nhân dân, ban soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh để trình kỳ họp QH thứ 6.

Theo vietnamnet)

.
.
.