ĐBQH Huỳnh Văn Tính : Đóng góp dự án Luật Hòa giải cơ sở
Buổi sáng ngày 22-11-2012, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Hòa giải cơ sở. Qua nghiên cứu dự án luật, đại biểu Huỳnh Văn Tính – Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật: Một trong những quy định quan trọng nhất của Luật, là cơ sở đầu tiên và chi phối toàn bộ đến quá trình hòa giải, đó là quy định về phạm vi hòa giải, quy định về những vụ việc nào được phép tiến hành hòa giải và những vụ việc nào không được phép tiến hành hòa giải. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung vào Khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh nội dung quy định đầy đủ về phạm vi, nguyên tắc, chính sách hòa giải ở cơ sở (dự án Luật chỉ nêu nguyên tắc, chính sách hòa giải mà không nêu phạm vi thực hiện hòa giải).
Thứ hai, về tiêu chuẩn hòa giải viên: Đề nghị xem xét chuyển nội dung quy định về công nhận hòa giải viên được quy định tại Điều 8 chuyển sang Điều 7 nhằm đảm bảo tính thống nhất chung trong quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên cơ sở; đồng thời, tại Điều 7 cần bổ sung cụ thể tiêu chuẩn đầu tiên của hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn cơ sở trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính tham gia đóng góp ý kiến tại hội trường. |
Thứ ba, về việc công nhận hòa giải viên (Điều 8): Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan và thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở cần thiết nên thực hiện phương án quy định về lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên, không cần thiết phải tổ chức bầu chọn hòa giải viên; bởi lẽ: tại Điều 13 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, xã, phường, thị trấn hiện hành quy định những nội dung thực hiện việc dân bàn, biểu quyết bao gồm: Một, hương ước, quy ước của tổ dân phố. Hai, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Ba, bầu, bãi nhiệm thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Như vậy, việc bầu hòa giải viên không thuộc một trong những nội dung cần nhân dân bàn, biểu quyết theo quy định.
Mặt khác, trong thực tế đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động chủ yếu bằng tinh thần tự nguyện, vì cộng đồng, bằng uy tín, danh dự của chính cá nhân tại cơ sở. Hòa giải viên ở cơ sở tham gia hoạt động hòa giải không vì lợi ích vật chất của bản thân mà vì lợi ích chung của cộng đồng.
Bên cạnh đó, một trong những tiêu chuẩn của hòa giải viên theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 của dự án Luật là tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải, do vậy, nếu quy định người dân thực hiện việc bầu chọn hòa giải viên sẽ tác động làm ảnh hưởng không tốt đến sự tự nguyện, nhiệt tình của người muốn tham gia hoạt động hòa giải cơ sở.
Vì vậy, đề nghị dự án Luật xem xét quy định cơ chế giới thiệu, công nhận đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thay vì phải tổ chức bầu chọn hòa giải viên với những quy định về thủ tục thực hiện đơn giản, thuận tiện nhất nhằm động viên được sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ này trong công tác hòa giải cơ sở, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.
Thứ tư, đề nghị điều chỉnh quy định tại các Điều 29, Điều 30, Điều 31 của dự án Luật theo hướng giao cho cơ quan Mặt trận Tổ quốc chủ trì hoặc chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở, như vậy sẽ phù hợp và đảm bảo được tính tự nguyện, tự quản và xã hội hóa hòa giải ở cơ sở; vì, nếu như việc thực hiện hành chính hóa, Nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động hòa giải cơ sở sẽ không phát huy đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, khi đó, sẽ hạn chế đến tính khả thi và hiệu quả của hoạt động hòa giải cơ sở.
Việc phát huy vai trò, tính chủ động của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở bởi các lý do sau:
Một, vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác vận động quần chúng nói chung và trong công tác hòa giải nói riêng phù hợp với Điều 7 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và việc thực hiện này đã thực sự phát huy tốt kết quả trong quá trình thực hiện trước đây theo quy định tại Điều 5 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Hai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong hoạt động của mình thời gian qua đã gắn kết có hiệu quả công tác hòa giải cơ sở với các cuộc vận động phong trào quần chúng, như: vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội; phong trào ông bà gương mẫu, con cháu hiếu thảo …ở tất cả khu dân cư trong toàn quốc.
Thứ năm, Điều 34 về hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét để đưa vào Luật quy định cụ thể về cơ chế tài chính chi cho hoạt động hòa giải cơ sở (như: kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng, sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng, cung cấp tài liệu, giấy bút, sổ sách, đi lại… cho người hòa giải), nhằm đảm bảo phát huy tốt hiệu quả của công tác này tại cơ sở khi Luật có hiệu lực pháp luật.
Riêng về việc thực hiện chế độ hỗ trợ thù lao đối với người tham gia thực hiện hòa giải cơ sở thì cần cân nhắc thận trọng để tránh làm mất đi ý nghĩa tự nguyện, hiệu quả của người tham gia hòa giải cơ sở. Đồng thời, nếu thực hiện chế độ thù lao này, đề nghị dự án Luật quy định cụ thể do ngân sách Trung ương đảm bảo và quy định chi tiết, có như vậy việc thực hiện được sự thống nhất chung trên phạm vi cả nước nhằm đảm bảo phát huy tích cực, hiệu quả công tác này ở cơ sở.
Thứ sáu, về hướng dẫn thi hành (Điều 36), đề nghị Ban soạn thảo rà soát, hệ thống chặt chẽ để quy định thật cụ thể những điều khoản nào, những nội dung nào giao cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đề nghị quy định cụ thể việc giao Chính phủ quy định chi tiết Khoản 5, Điều 9 của dự án Luật về quyền của hòa giải viên; Điều 34 của dự án Luật về hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở…
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)