Thứ Hai, 05/11/2012, 10:16 (GMT+7)
.

ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng: Góp ý dự thảo Luật Dự trữ quốc gia

Vừa qua, trong phiên họp toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dự trữ quốc gia, phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, ảnh) cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và  đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền ban hành chiến lược dự trữ quốc gia (quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 13), đề nghị cân nhắc đối với quy định thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Bởi lẽ, tại Khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật này đã quy định: Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dự trữ quốc gia phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; vả lại, trong 3 văn bản quy hoạch, kế hoạch, chiến lược thì chiến lược là cơ sở quan trọng nhất, vì có chiến lược mới có quy hoạch, kế hoạch.

Mặt khác, chiến lược dự trữ quốc gia xác định chế độ quản lý sử dụng nguồn dự trữ quốc gia được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước, thẩm quyền quyết định phân bổ ngân sách Nhà nước lại thuộc về thẩm quyền của Quốc hội.

Chính vì những lẽ đó, đề nghị dự án Luật xem xét bổ sung quy định nhằm xác định rõ về thẩm quyền của Quốc hội quyết định chiến lược dự trữ quốc gia (tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12).

Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính (quy định tại Điều 14), đề nghị cần lưu ý 3 vấn đề sau: Một là, đề nghị xem xét việc quy định trong dự thảo Luật (tại Khoản 2) về cơ quan quản lý về dự trữ quốc gia chuyên trách trực thuộc Bộ Tài chính. Bởi lẽ, thông thường về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này được quy định trong Nghị định của Chính phủ, không nhất thiết phải quy định trong luật.

Tuy nhiên, nếu dự thảo Luật vẫn giữ nội dung quy định này thì đề nghị cần xem xét lại nội dung quy định cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách có nhiệm vụ, quyền hạn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy chuẩn kỹ thuật định mức kinh tế kỹ thuật trình Bộ Tài chính quyết định (quy định tại Điểm c, Khoản 2).

Hai là, nội dung tên gọi của điều này trong dự thảo Luật chỉ đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, chưa thể hiện được nội dung quy định đối với cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách; vì vậy, nếu vẫn giữ nội dung quy định đối với cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách như dự án Luật đã nêu thì cần thiết bổ sung tên gọi cho phù hợp nội dung quy định của Điều này.

Ba là, đề nghị cần xem xét để quy định chặt chẽ hơn về nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hàng dự trữ quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia (quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14) nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa quy định của Luật này với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu quản lý hàng dự trữ quốc gia của các bộ, ngành được phân công.

Thứ ba, về phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia đối với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…(quy định tại Điều 18) là phù hợp với nhiệm vụ quản lý ngành. Tuy nhiên, xét về mặt phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia, nhất là những mặt hàng chuyên dụng bảo đảm cho quốc phòng, an ninh cơ yếu thì chưa phù hợp.

Do đó, đề nghị xem xét bổ sung quy định giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành quy chuẩn kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia đối với vật tư thiết bị chuyên dụng bảo đảm cho quốc phòng, an ninh, cơ yếu.

Thứ tư, về thanh lý hàng dự trữ quốc gia (Điều 44): Việc quy định tiền thu được từ thanh lý hàng dự trữ quốc gia được nộp vào ngân sách Nhà nước là phù hợp.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự chặt chẽ trong công tác quản lý nguồn tiền từ việc thanh lý hàng dự trữ quốc gia, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định nguồn tiền thanh lý hàng dự trữ quốc gia được nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi đã trừ các khoản chi phí theo quy định để phục vụ cho các hoạt động thanh lý.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.