Thứ Hai, 12/11/2012, 13:54 (GMT+7)
.

ĐBQH Nguyễn Văn Tiên: Cần nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội

Sáng ngày 8-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013. Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề cập đến các vấn đề như sau:

Thứ nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung đầy đủ hơn nội dung Báo cáo kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, bởi lẽ, thực tế trong năm 2012, Quốc hội đã quan tâm và thực hiện rất có hiệu quả hoạt động giám sát như Nghị quyết đã đề ra, cụ thể như: việc chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp và việc tham gia giải trình của các Bộ, ngành chức năng tại các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội được thực hiện thường xuyên, đây là hoạt động thực sự đem lại hiệu quả tích cực.

Kết quả đạt được rõ nhất trong hoạt động chất vấn vừa qua là đại biểu Quốc hội nhận được rất nhiều các nội dung báo cáo kết quả thực hiện sau một năm công tác của Chính phủ, của Thủ trưởng các Bộ, ngành.

Đây là hiệu quả thiết thực cần phải đánh giá cụ thể để các đại biểu Quốc hội, các ban, ngành cũng như nhân dân hiểu được Quốc hội đã làm được những gì liên quan đến hoạt động này, bởi hoạt động giám sát, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng là những chức năng cơ bản của Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một cách nghiêm túc và cụ thể hơn về hạn chế, tồn tại để khắc phục và có giải pháp để nâng cao hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2013 và những năm tiếp theo, cụ thể ở một số vấn đề như sau:

Một là, việc giải trình của các Bộ, ngành tại các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội chưa đạt được kết quả như mong muốn và chưa được thực hiện đều khắp ở các Ủy ban của Quốc hội.

Hai là, hoạt động giám sát đối với các báo cáo của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được thực hiện thường xuyên tại các kỳ họp Quốc hội nhưng kết quả không sâu, bởi lẽ nội dung báo cáo của các cơ quan này thường mang tính tổng kết, đưa ra một loạt số liệu, chưa phân tích sâu nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém.

Mặt khác, do việc bố trí chương trình thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội đối với các nội dung này còn hạn chế nên Quốc hội không có thời gian để phân tích cụ thể những khó khăn, tồn tại và nguyên nhân của nó. Do vậy, đề nghị nội dung các báo cáo này trong các năm tới cần phải được bố cục lại cho cụ thể hơn, đảm bảo đầy đủ các nội dung, số liệu chứng minh một cách sinh động, phải phân tích sâu về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để có giải pháp khắc hiệu quả.

Thứ hai, nội dung các Báo cáo Giám sát của Quốc hội cũng như của các ngành hầu hết chưa tập hợp được những ý kiến của cử tri, những bằng chứng độc lập liên quan đến nội dung giám sát do khi thực hiện giám sát, hầu hết các đoàn chủ yếu làm việc để nghe nội dung báo cáo của cơ quan được giám sát, việc  phân tích, đánh giá vấn đề chưa được quan tâm một cách thiết thực…  

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị:

Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ hoạt động giải trình của các Bộ, ngành chức năng tại các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội nhằm phát huy tích cực vai trò giám sát của các Ủy ban theo quy định của pháp luật về giám sát gắn với những vấn đề bức xúc cụ thể của cử tri.  

Hai là, đề nghị các báo cáo của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, của Viện Kiểm sát tối cao khi trình Quốc hội ở những kỳ họp sắp tới phải phân tích thật sâu, thật cụ thể ở những vấn đề mấu chốt; đồng thời, các nội dung Báo cáo cũng phải nêu rõ những nội dung kiến nghị về chính sách, pháp luật để đảm bảo sự phù hợp và kết quả thực thi của pháp luật, nhất là việc kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều luật mang tính cấp thiết.

Ba là, tại kỳ họp thứ tư này, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, việc này cũng liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, do vậy, đề nghị cần xem xét để gắn kết vấn đề này với Chương trình giám sát của Quốc hội vào năm 2013 và ở những năm tiếp theo nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát toàn diện của Quốc hội.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.